Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày Satya Nadella chính thức nhậm chức CEO của Microsoft vào hôm 4/2/2014. 6 tháng dường như trôi qua quá nhanh so với giai đoạn Microsoft “dập dình” tìm người kế vị Steve Ballmer, nhưng là khoảng thời gian đủ dài để có thể đánh giá sơ bộ về khả năng chèo lái con thuyền Microsoft của tân CEO.

Khi Nadella tiếp quản ghế CEO, Microsoft đang gánh chịu hậu quả nặng nề của triều đại quá dài dưới quyền cai quản của “nhà độc tài” Ballmer – CEO đồng thời là cổ đông lớn của Microsoft. Nhiều người có thể cho rằng di sản Ballmer để lại khiến Nadella không đủ thời gian tạo nên ảnh hưởng của mình trên mọi mặt của Microsoft. Nhưng đã có nhiều thay đổi xảy ra dưới sự lãnh đạo của Nadella, hứa hẹn Microsoft sẽ chuyển mình đáng kể trong thời gian tới đây.

Vậy, 6 tháng qua Nadella đã làm được những gì cho Microsoft và những gì còn tồn đọng. Dưới đây là bài viết đánh giá của Infoworld từ góc nhìn của tác giả đặt mình ở vị trí của một khách hàng lâu năm của công ty.

Bóng ma đế chế cũ

Khi chuyển giao “vương triều” cho Nadella, Ballmer đã lèo lái con thuyền Microsoft được 16 tháng theo hướng “thiết bị và dịch vụ”. Chiến lược cho thấy Microsoft bán đủ loại dịch vụ vào cuối nhiệm kì của Ballmer, nhưng vế “thiết bị” thì vẫn chưa đến đâu, thất thu trong mảng game console và dòng máy tính bảng Surface tuy có sáng tạo trong thiết kế nhưng không đem lại thành công trên thị trường. Microsoft đã công bố thương vụ Nokia ở thời điểm đó, nhưng mảng điện thoại của nhà sản xuất Phần Lan vẫn chưa thực sự gia nhập vào đế chế Microsoft.

6 tháng sau, doanh số bán hàng của Xbox vẫn thấp hơn so với PS4 của Sony, trong khi hoạt động kinh doanhSurface chỉ thấy thua lỗ, còn Windows Phone thì “ngược dòng” với thị phần xuống dốc chỉ còn 2,7% thị trường smartphone toàn cầu, thêm vào đó là kế hoạch chuẩn bị sa thải 12.500 nhân viên của Nokia mới gia nhập. Mảng “thiết bị” đang ở vào tình thế không lối thoát.

Về phần mình, Nadella tỏ rõ hờ hững với “thiết bị”, trong khi đặt cược tương lai của công ty vào điện toán đám mây. Quan điểm xuyên suốt tiếp tục được duy trì là mong muốn vắt sữa những con bò già đẻ tiền Windows và Office tới chừng nào có thể.

Tầm nhìn

Một số nhà quan sát cho rằng câu thần chú “mobile-first, cloud-first” của Nadella cũng chẳng khác mấy chiến lược “devices and services” của Ballmer. Nhưng rõ ràng Nadella nhiều năm lãnh đạo mảng điện toán đám mây tại Microsoft đã cho thấy một tầm nhìn tương lai của Microsoft phù hợp với xu hướng mới.

Tầm nhìn của Nadella xứng đáng nhận điểm A.

Mặt khác, Nadella liên tục lặp lại mục tiêu cốt lõi là gia tăng năng suất. Điều được Microsoft hô hào qua nhiều thập kỉ, tới mức gây nhàm chán cho hầu hết mọi người trước đây, bây giờ được Nadella “tái phát minh” và cụ thể hóa theo hướng tập trung phát triển Office cho nhiều nền tảng và các ứng dụng Windows. Để khuyến khích nhân viên sáng tạo, ông đã khởi động một chương trình thi lập trình nhanh hackathon trong nội bộ kéo dài một tuần. Tuy vậy, từ cuộc thi tới những sản phẩm thực tế là cả một con đường dài, và việc cải thiện năng suất cho những năm tới đây không phải từ việc viết lại Office, mà là từ hàng trăm nguồn khác, thậm chí chưa thể hình dung ở thời điểm hiện tại, trong đó sẽ có vài sản phẩm của Microsoft, và hàng chục vụ mua lại hay bắt chước.

Tầm nhìn chiến lược tái phát minh gia tăng năng suất của Nadella chỉ đáng điểm C.

Cuối cùng, nhiều chuyên gia tỏ ra thất vọng với khả năng diễn đạt tương lai của Nadella trong thư gửi toàn thể nhân viên hồi giữa tháng 7. Robert X. Cringely của trang InfoWorld nói thẳng: “khi mô tả tương lai mà Nadella hướng tới, ông sử dụng ngôn ngữ rỗng tuếch và mơ hồ với những từ đao to búa lớn để làm mờ, thậm chí xóa sạch mọi ý nghĩa hay mục đích cụ thể trong khi cố gắng để nghe có vẻ dứt khoát và am hiểu”. Biên tập viên Lee Hutchinson của trang Ars Technica thì cho rằng email của Nadella chỉ mang tính chất động viên khích lệ nội bộ mà chẳng hề có thông tin, điển hình của truyền thông doanh nghiệp được quản lí cẩn trọng.

Điểm D cho truyền thông.

Điều hành nhân lực

Nadella đặt niềm tin vào những nhân vật thân cận trong nhiều năm qua: Chris Capossela trở lại bộ phận tiếp thị, Qi Lu (sếp cũ của Nadella) nắm giữ mảng ứng dụng và dịch vụ, và Scott Guthrie được đẩy lên phụ trách bộ phận đám mây và doanh nghiệp (vị trí trước đây của Nadella). Nhưng điều quan trọng là ông vẫn giữ nguyên vị trí của nhiều người có uy tín: Kevin Turner giữ vị trí giám đốc điều hành (COO), Terry Myerson phụ trách mảng hệ điều hành, Amy Hood là giám đốc tài chính (CFO), luật sư trưởng Counsel Brad Smith...

Một số lãnh đạo được cho nghỉ hoặc giữ vai trò không rõ ràng: Tony Bates, ứng cử viên hàng đầu cho chức CEO thay thế Ballmer trước đây, và Tami Reller, người từng là trưởng bộ phận tiếp thị và có thời gian ngắn phụ trách Windows. Mark Penn, người đứng sau chiến dịch quảng cáo Scroogled chế nhạo Google, được chuyển sang vị trí mà cá tính “nanh nọc” của ông sẽ không còn đáng để ý.

Bill Gates đã hậu thuẫn cho Nadella, nhưng không có bất kì thông tin gì liên quan tới ông. (Thành thật mà nói Gates còn có những công việc quan trọng hơn trong những hoạt động từ thiện của mình). Ballmer đã bị gạt sang một bên, nhưng với vai trò là cổ đông lớn nhất rõ ràng ông còn nhiều ảnh hưởng tới Nadella.

Steven Luzco, CEO của Seagate, rời khỏi hội đồng quản trị, và người mới tới có chủ tịch Mason Morfit của quỹ ValueAct Capital, mới nhất là John Stanton của quĩ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng trong lĩnh vực mạng không dây Trilogy Equity Partners – tất cả tạo nên một bức tranh sáng sủa.

Điểm đánh giá về điều hành: A.

Còn Stephen Elop, người đã có công mang điện thoại Nokia về với Microsoft thì sao. Ông là di sản của Ballmer, không phải của Nadella. Hãy để ý Lisa Brummel, người vẫn tiếp tục phụ trách bộ phận nhân sự (xem ở dưới).

Ngược lại, trong ngắn hạn có thể thấy: 18.000 nhân viên sẽ bị sa thải, gồm 12.500 nhân viên Nokia mới sáp nhập vào và 5500 nhân viên cũ của Microsoft. Nadella giải thích đây là điều cần thiết để tái cơ cấu công ty tinh gọn và làm việc hiệu quả hơn. Dù gì thì tiến trình thanh lọc ồ ạt này cũng diễn ra quá chậm, và ngập tràn trong công ty đang là những lời ca thán của nhân viên.

Điểm đánh giá về nhân sự: F.

Những sản phẩm chính

Một trong những dấu ấn rõ nét nhất mà Nadella tạo ra là phát hành Office cho iPad trước khi có một phiên bản cho Windows Phone. (Thực ra Office cho iPad đã được phát triển dưới thời Ballmer). 35 triệu lượt tải về là một con số đáng ghi nhận.

Bây giờ thậm chí Skype và OneNote đã chạy trên phần cứng của Amazon. Và Microsoft vừa tiết lộ rằng, phiên bản mới của trình duyệt Internet Explorer cho di động sẽ hiển thị các trang web cùng cách như iOS Safari và Firefox, nâng cao trải nghiệm người dùng trên nền Web như họ mong muốn để không phụ thuộc vào nền tảng.

Học thuyết nền tảng, trái ngược với “Windows trên hết”, là đặt cược tốt nhất của Microsoft trong thời đại Windows không còn thống trị thế giới.

Điểm nền tảng: A.

Mặc dù các báo cáo mang tính mập mờ, máy tính bảng Surface rõ ràng là một thảm họa. Nhiều vấn đề có thể được quy cho thời của Ballmer, nhưng các báo cáo gần đây về Surface Pro 3 thiếu ổn định xuất hiện trong bản báo cáo tài chính của Nadella. Ít ra thì Nadella cũng đã không phát hành phiên bản Surface Mini chạy Windows RT.

Surface Pro 3 nhận được nhiều đánh giá tốt, và nó có thể có tương lai, nhưng còn xa câu chuyện thành công mà Microsoft cần để xây dựng bộ phận phần cứng.

Điểm cho thiết bị doanh nghiệp: C–.

Xbox thì sao? Dưới thời Nadella, Xbox One được bán ra với lựa chọn không kèm cảm biến chuyển động Kinect, giảm giá 100 USD so với nguyên bộ Xbox One + Kinect, xuống ngang tầm giá với PS4 của Sony. Nhưng kết cục PS4 vẫn bán chạy hơn.

Điểm cho thiết bị tiêu dùng: D.

Trong khi đó, Azure, Office 365, Dynamics CRM, SQL Server, và Hyper-V đang bùng nổ. Tin đồn Windows 365 và một sự đầu tư lớn trong những môi trường phát triển điện toán đám mây tất cả chỉ ra rằng Nadella biết hướng tương lai về đâu. Office 365 khiến Azure Active Directory, Enterprise Mobility, Azure Intelligence Service, và nhiều dịch vụ khác cùng cất cánh. Kế hoạch được lập ra và thực hiện tốt – Nadella đã và đang điều hành chiến dịch này cho một thời kì dài.

Điểm cho dịch vụ đám mây: A+ (cho dù dịch vụ đám mây của Amazon vẫn đang dẫn đầu thị trường)

Nadella kì vọng Microsoft thâm nhập vào những thị trường tương lai bằng cách làm mờ làn ranh giữa giải trí và công việc:

Con người và những tổ chức năng suất là động lực chính của sự đáp ứng cá nhân và tăng trưởng kinh tế, và chúng ta cần phải làm mọi thứ để tạo nên những trải nghiệm và nền tảng cho phép điều này phổ biến. Chúng ta sẽ nghĩ về mọi người sử dụng như là một “người dùng kép” tiềm năng - những người sẽ sử dụng công nghệ cho công việc hay trong trường học và cả trong cuộc sống số cá nhân thường ngày của họ. ... Microsoft sẽ giúp mỗi cá nhân thành một người sử dụng kép cho dù họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Mặc dù một số người mua theo hướng tiếp thị “người dùng kép”, nhưng thực tế cho thấy phần lớn người tiêu dùng muốn những giải pháp đơn giản hơn thay vì những trang thiết bị cầm tay dùng trong doanh nghiệp đem lại nhiều rắc rối.

Điểm tầm nhìn thị trường tiêu dùng: D.

Tới lượt Windows, con bò sữa đẻ tiền đã già, và Microsoft đang đau đầu với Windows 8. Nadella tiếp tục đặt toàn bộ nỗ lực cho Windows vào một đội (một sai lầm trầm trọng của triều đại Ballmer/Sinofsky), và đang lên kế hoạch hợp nhất các bản Windows để phiên bản sắp tới có thể chạy trên mọi thiết bị, ở khắp mọi nơi. Tất nhiên đó sẽ là không tưởng, chỉ có ý nghĩa về mặt tiếp thị.

Điểm Windows: F.

Tài chính

Cổ phiếu Microsoft đã tăng cao kể từ thời điểm Ballmer công bố sẽ ra đi hơn một năm về trước. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/2/2014, giá cổ phiếu Microsoft đạt dưới 37 USD, và gần đây đã lên mức dao động quanh 44 USD, tăng khoảng 20% trong vòng sáu tháng.

Điểm giá trị công ty: A.

Nadella chỉ có một tác động nhỏ như là CEO của Microsoft vào kết quả tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 30/6, nhưng tự những kết quả này nói lên tất cả: 87 tỉ USD doanh thu, 28 tỉ USD lợi nhuận, doanh thu từ mảng đám mây (bao gồm Azure và Office 365) đạt 4,4 tỉ USD, 86 tỉ USD tiền mặt - tất cả đều là kỉ lục. Tác động của Nadella như là CEO sẽ ghi dấu ấn vài năm tới, nhưng công việc cũ của ông có một ảnh hưởng lớn tới những con số mới được công bố.

Điểm tài chính công ty: A.

Tóm lại

Việc đánh giá tổng thể về Satya Nadella phụ thuộc rất nhiều vào những gì được cho là giá trị. Nếu xét giá cổ phiếu và tình hình tài chính – những thước đo giá trị doanh nghiệp – ông đã thực hiện đặc biệt tốt trong một khoảng thời gian ngắn, và ông sẽ có khả năng tiếp tục làm tốt. Về mặt này, ông chắc chắn nhận được điểm A.

Nhân viên của Nokia có thể khác quan điểm một chút.

Xét thành tích của Nadella từ quan điểm của người gắn bó với Windows và Office, ông chỉ đáng nhận C- bởi không cho thấy sẽ vực dậy ra sao những sản phẩm chủ đạo nhưng tỏ ra đã quá thời. Ngoài ra Surface cũng không rõ số phận thế nào.

Máy tính bảng, điện thoại không thấy hứa hẹn gì. Mục tiêu nhắm tới “người dùng kép” không thực tế dù rằng không thể phủ nhận Office cho iPad là điều thú vị. Tiêu dùng nói tóm lại chỉ đạt điểm C.

Từ quan điểm doanh nghiệp, với việc sẽ phải triển khai giải pháp điện toán đám mây và giá dịch vụ đang giảm nhanh, có thể cho Nadella một điểm B+. Ông khó có thể bắt kịp và vượt qua Amazon.

Một điều chắc chắn là, Microsoft sẽ không còn theo hướng thiết bị và dịch vụ.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)