Hình thức đẹp nhưng điện thoại Trung Quốc đang giảm sức hấp dẫn

Chất lượng kém, nhiều hiểm họa

Bên cạnh lí do chất lượng kém, hao pin nhanh, bảo hành thiếu thống nhất thì điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc còn tiềm ẩn những hiểm họa đối với người sử dụng. Cụ thể, linh kiện từ những điện thoại thông minh giá rẻ Trung Quốc kém chất lượng, bề ngoài dễ bong tróc. Vỏ điện thoại còn có thể nhiễm độc do không được sản xuất bằng công nghệ cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Nghiêm trọng hơn, nhiều điện thoại thông minh của Trung Quốc cài sẵn phần mềm gián điệp, đánh cắp thông tin của người dùng. Mới đây, đại diện hãng sản xuất điện thoại Xiaomi của Trung Quốc đã phải lên tiếng thừa nhận một số sản phẩm của hãng này có chức năng tự truyền tải dữ liệu về máy chủ khi chưa được phép của người sử dụng. Trước đó, điện thoại có tên gọi là Star N9500 (có kiểu dáng giống Galaxy S4 của Samsung) có khả năng thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro trên máy để nghe lén hay gửi tin nhắn tới các dịch vụ thu phí.... Năm 2012, hãng sản xuất Huawei cũng bị nghi ngờ là “gián điệp viễn thông”.

Liên quan đến chất lượng sản phẩm và công tác bảo hành, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng vừa nhận được đơn khiếu nại của anh Lê Minh Công (ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) về việc mua điện thoại Hummer H9 giá 2,79 triệu đồng, không được bảo hành. Đây là sản phẩm của Trung Quốc. Nguồn tin từ cơ quan này cung cấp, trong số các khiếu nại về sản phẩm công nghệ gửi đến cơ quan này, phần lớn là những bức xúc của khách hàng liên quan đến sản phẩm công nghệ giá rẻ, hoặc nhái của Trung Quốc được bán thông qua hình thức giao dịch điện tử.

Người dùng lo ngại

Cách đây hơn 2 năm, dường như tại bất kì cửa hàng kinh doanh hoặc sửa chữa điện thoại di động nào trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), Thái Hà (Đống Đa)… khách hàng cũng dễ dàng tìm được các sản phẩm điện thoại của Trung Quốc với mức giá khoảng 1,5-2 triệu đồng/chiếc. Ở thời điểm đó, một chiếc điện thoại có giá như trên, phù hợp với túi tiền của đa số khách hàng Việt Nam nên hàng bán khá tốt. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều dòng điện thoại thông minh của Trung Quốc như: Huawei, Oppo, Gionee lần lượt bị người dùng đặt ra ngoài danh sách ưu tiên chọn mua kể cả khi chúng có giá rẻ, và cấu hình ngày càng hấp dẫn.

Anh Lê - nhân viên siêu thị điện thoại di động trên phố Láng Hạ cho biết: “Điện thoại Trung Quốc giờ thường được bán tại hệ thống cửa hàng phân phối riêng của họ, hoặc bán qua mạng. Siêu thị chúng tôi chỉ lấy hàng theo yêu cầu của khách, vì hàng Trung Quốc giờ bán không chạy, bảo hành lại vất vả hơn sản phẩm của các hãng nổi tiếng khác”.

Trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam đang có tâm lí e dè trước sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. Phùng Hoàng Minh (sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ: “Vừa qua rất nhiều trang công nghệ đánh giá cao điện thoại Zenfone 5 của Asus. Tôi cũng thích máy này, nhưng chưa kịp mua thì có thông tin một số sản phẩm công nghệ Trung Quốc có thể cài phần mềm gián điệp. Hơn nữa, sự kiện Biển Đông cũng làm tôi trì hoãn ý định mua Zenfone 5, mặc dù sản phẩm của Asus chưa dính tin đồn nào như trên”.

Vấn đề đặt ra là thị trường sản phẩm công nghệ của Việt Nam hiện vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc. Không chỉ với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc rõ ràng, mà một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Việt Nam cũng đặt hàng sản xuất hoặc mua thiết bị, lắp ráp tại Trung Quốc. Vậy người tiêu dùng nên làm thế nào để tránh rủi ro? Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Ngô Tuấn Anh- Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng (Công ty Bkav) khuyến cáo, người tiêu dùng Việt Nam nên chọn những sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín, để được đảm bảo quyền lợi nếu có vấn đề liên quan đến chất lượng hay an toàn thông tin.

Theo An Ninh Thủ Đô.




Bình luận

  • TTCN (1)
Án Bình Trọng  39

ZenFone đâu phải hàng của TQ, của Đài Loan