Với việc đưa vào hoạt động của Trung tâm nghiên cứu lúa lai này, trong tương lai không xa, nông dân sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lúa lai từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc.

Theo tiêu chuẩn quốc tế

Được xây dựng tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định), Trung tâm NCLL của Syngenta với quy mô 7ha (trong đó có 3ha thuê thêm đất của dân), nhìn hiện đại không kém so với các khu vực nghiên cứu của Viện Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng thuộc khu vực nghiên cứu, kỹ sư Nguyễn Xuân Quảng (Syngenta Việt Nam) cho biết, trên diện tích 4ha, khu vực nghiên cứu của trung tâm được chia thành 4 khu, mỗi khu 1ha cho 4 giai đoạn nghiên cứu khác nhau của cây lúa.

Theo đó, mỗi khu vực được đánh dấu từ Stage 1, Stage 2, Stage 3 và Stage 4 với hàng trăm giống lúa khác nhau đang được trồng tại đây phục vụ mục đích chọn tạo. Tại khu vực giữa cánh đồng, còn có một trạm quan trắc để đo nhiệt độ thời tiết, độ ẩm của đất… Các thông tin từ trạm quan trắc này sẽ được tự động gửi lên hệ thống GPRS toàn cầu, từ đó các kỹ sư có thể biết được nhiệt độ tại đồng ruộng, độ ẩm như thế nào để có các giải pháp chăm sóc cho lúa....

Trong giai đoạn đầu, Syngenta chủ yếu sẽ nhập khẩu nguồn gene lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Hiện đã có một giống lúa được đưa vào khảo nghiệm sản xuất trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia, dự kiến đến năm 2017 Syngenta sẽ cho ra thị trường 2-3 giống lúa lai chất lượng và năng suất cao phục vụ sản xuất

Ảnh
Lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu lúa lai.

Ông Gloverson Moro- Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Syngenta cho biết: “Chúng tôi chọn xây dựng Trung tâm NCLL tại Việt Nam vì được biết, Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo thứ nhất, nhì thế giới. Đặc biệt, tại Nam Định các điều kiện về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng đều rất thích hợp để sản xuất, nghiên cứu lúa”.

Cũng theo ông Gloverson Moro, với việc khánh thành trung tâm này, sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tăng cường năng lực của Syngenta trong lĩnh vực lúa lai và xây dựng nguồn cung cấp hạt giống đa dạng cho thị trường Việt Nam.

Giúp chủ động giống lúa lai

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mỗi năm Việt Nam sản xuất 7,8 triệu ha lúa, trong đó có khoảng 650.000-700.000ha lúa lai, chủ yếu gieo trồng ở miền Bắc. Tuy nhiên, đến nay trong nước mới chủ động sản xuất được 30% giống lúa lai, còn lại tới 70% vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.

l_ZYCN.jpg.ashx?w=490&h=310&crop=auto

Chính vì thế, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT), việc hình thành trung tâm NCLL của Syngenta sẽ giúp các nhà khoa học của Việt Nam có cơ hội tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm với các nguồn gene lúa của thế giới, tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất…

Được thiết kế theo tiêu chuẩn toàn cầu của Syngenta với những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học từ hệ thống máy móc, thiết bị thí nghiệm đến điều kiện thí nghiệm và tiêu chuẩn an toàn lao động và bao gồm nhiều phân khu như khu lai tạo, khu nhà lưới, kho lạnh, khu máy móc, Trung tâm NCLL Syngenta tại Nam Định có thể kết nối với các cơ sở nghiên cứu của Syngenta trên toàn cầu để chia sẻ số liệu và thông tin khoa học và sẽ là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Công ty Syngenta Việt Nam.

Ông Kumar Datta - Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam cho biết: "Dự án đầu tư này thể hiện cam kết tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Chính phủ và tin tưởng rằng Syngenta đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam”.

“Mục tiêu của Syngenta là tạo ra sản phẩm thương mại trong tương lai, trong đó chú trọng tới các dòng chất lượng, năng suất, kháng sâu bệnh và hơn thế nữa là những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu” - ông Kumar Datta khẳng định.

Trung tâm NCLL Syngenta được xây dựng trên diện tích 4ha với tổng kinh phí giai đoạn 1 ước trên 30 tỷ đồng. Đây là một trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại đầu tiên tại Việt Nam do một tập đoàn quốc tế đầu tư và vận hành.

Theo Dân Việt.



Bình luận

  • TTCN (0)