Trào lưu giội nước đá lên đầu đang “bị biến tướng dần”

Lí luận “phản biện” của nhiều cư dân mạng xuất phát từ sự việc mới đây, Tổng thống Nga Putin và tổng thống Mỹ Obama lần lượt từ chối nhận lời thách đố, vì rằng họ không có thời gian và trách nhiệm phải “dội” 1 xô nước đá lên đầu, vì còn có nhiều việc khác cần làm hơn.

Nhiều người nổi tiếng khác cũng chọn hành xử tương tự vì theo họ, tham gia hoạt động từ thiện “miễn cưỡng do bị thách đấu” là không nên!

Không nên thách nhau

Thông điệp này được một số người chỉ ra, bởi cho rằng nếu chỉ đơn giản nhận lời thách của ai đó rồi làm theo mới chứng tỏ “mình có tấm lòng thiện nguyện” là lí luận không công bằng. Bởi sự thật, hầu hết những người đang tham gia “đổ nước đá lên đầu” đều có đóng góp từ thiện sau đó. Nghĩa là có dội hay không dội nước đá lên đầu, họ cũng “phải làm từ thiện qua thách đố từ người khác”, và như thế, sự kiện có tính áp đặt nhiều hơn là tự nguyện!

Một số người nêu rõ, nếu 1 người đặt lời thách đố ra với người khác, bản thân đã xét kĩ trường hợp, vai trò của người bị thách đố đó hay không. Nếu người đó đang có những vấn đề khác cần giải quyết hơn, ví dụ đang chăm sóc người thân bị ốm chẳng hạn, thì việc từ chối nhận lời thách là tất yếu. Trong trường hợp đó, với công luận xã hội, rõ ràng người bị thách rất khó trả lời với dư luận và thậm chí còn bị đả kích không đáng có. Lời thách đố vì vậy trở thành 1 áp lực không đáng có và dễ gây bất hòa, tị hiềm !

Ảnh
Tổng thống Nga Putin đã từ chối lời thách giội nước đá của 1 diễn viên Mỹ.

Thứ hai, “nếu đã thách người, thì có thể chịu bị thách ngược lại không?” một nữ doanh nhân công nghệ “phản pháo” như vậy. Người này trình bày, sau khi nhận 1 lời thách, bà đã gửi lại lời thách cho “đối phương”, nếu bà chấp nhận dội nước đá lên đầu, thì người thách có chịu “làm từ thiện gấp đôi” lời thách đó không? “Người kia thách tôi nếu không dội, thì góp 100 USD vào quỹ từ thiện. Tôi đồng ý dội, thì người đó phải bỏ 200 USD vào quỹ chứ”.

Cần cân nhắc rõ!

Rõ ràng với trào lưu thách dội nước đá lên đầu, xã hội bên ngoài nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đã bắt đầu động thái xem xét lại hiệu ứng vấn đề.

Những người ủng hộ sự kiện cho rằng, cần nhìn sự việc một cách tích cực, không nên so đo hay chỉ trích thái quá vào những lời thách. Một lí luận trên mạng xã hội nêu rõ, có ít nhất 4 bài học cần thấy từ trào lưu "Ice Bucket Challenge". Đó là tạo nên động cơ hợp lí, khơi gợi được cảm xúc cộng đồng; đơn giản dễ hiểu và gần như miễn phí; vui vẻ hài hước 1 cách lành mạnh; và hiệu ứng quảng bá lan tỏa tốt.

Ảnh
Một iám đốc của Intel Việt Nam tự "dội nước đá lên đầu" để ủng hộ quỹ từ thiện.

Xét các điểm này, sự kiện dội nước đá lên đầu đang thu được kết quả tích cực, ít nhất là khơi gợi rõ ràng hơn tinh thần từ thiện ở nhiều người. Một số thành viên diễn đàn Tinhte cho biết, ngay sau khi các clip quay cảnh các admin và thành viên tích cực của giới công nghệ Việt dội nước đá, số lượng các khoản đóng góp, ủng hộ gây quỹ từ thiện đã tăng lên. Mọi người đều rất vui vẻ, hài hước với những hình ảnh đó, tuyệt nhiên không có một thái độ hậm hực chỉ trích nào khiến cộng đồng phải lo ngại.

Song những ý kiến không đồng ý với hành động dội nước đá lên đầu cũng đã tăng lên. Một số người kiên quyết nói rằng sẽ chỉ làm thiện nguyện bằng tấm lòng chứ không do một động cơ áp đặt nào cả, kể cả “áp đặt vui vẻ”.

Thậm chí ở một số lời thách đố, người bị thách hoàn toàn không biết rõ, hay không thấy thân thiện lắm với người đã gởi lời. Với những trường hợp này, những người có lời thách cần hết sức chú ý đến quan hệ xã hội cho phép của họ chứ không phải tùy tiện “muốn thách ai thì thách”.

Theo một số người quan sát, trào lưu dội nước đá lên đầu xem ra đang bắt đầu có dấu hiệu chững lại và “bị biến tướng dần”. Thái độ hưởng ứng của cộng đồng, vì thế cũng không còn những hào hứng sôi động như lúc đầu nữa.

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (0)