Hồi đầu tháng 4, khi Truyền hình cáp Saigontuorist (SCTV) bị vướng vào nghi án cung cấp dịch vụ truyền hình analog trái với giấy phép đã được Bộ TT&TT cấp ở địa bàn Hà Nội, sự việc được báo chí phản ánh.

Khi đó cơ quan chức năng đang trong giai đoạn xem xét sự việc và chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng vào cuối tháng 4/2014, anh Nguyễn Mạnh Tú (Tây Hồ - Hà Nội) đã gửi tới ICTnews thông tin nhân viên VTVcab đi rải tờ rơi tiếp thị dịch vụ tại khu vực Tây Hồ kèm theo bản photo bài báo "SCTV cung cấp "lậu" truyền hình cáp analog ở Hà Nội?".

Anh Tú cho biết, chiêu tiếp thị kèm theo bài báo phản ánh thông tin bất lợi cho SCTV (một đối thủ nặng kí của VTVcab) xuất hiện tại nhiều khu vực ở quận Tây Hồ. Sau khi nhận được thông tin này, đại diện truyền thông của VTVcab khẳng định rằng: "VTVcab không có chủ trương cho nhân viên đi tiếp thị kiểu này" và hứa sẽ báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa hề có câu trả lời chính thức nào từ VTVcab.

Ảnh
Tờ rơi dịch vụ của VTVcab được tiếp thị kèm photo bài báo phản ánh sai phạm của SCTV.

Chị Ngọc Hoa (ngõ Thịnh Quang – Đống Đa – Hà Nội) cho biết, cách đây 6 năm, khi chị mua nhà đã có sẵn dịch vụ truyền hình VTVcab do chủ cũ đăng kí và chị tiếp tục đóng cước hàng tháng để dùng luôn. Đến đầu tháng 3/2014, chị quyết định chuyển sang dùng dịch vụ của nhà đài khác nên đã gọi điện lên tổng đài của VTVcab yêu cầu cắt dịch vụ. Nhân viên trực tổng đài VTVcab sau một hồi thuyết phục chị tiếp tục dùng dịch vụ nhưng không được toại nguyện đã yêu cầu chị phải cung cấp Hợp đồng chính chủ, còn nếu không thì không thể cắt được dịch vụ.

Chị Hoa đã giải thích rõ lí do chị không đứng tên Hợp đồng và cũng không có bản Hợp đồng này nhưng chị Hoa còn giữ hóa đơn đóng cước dịch vụ hàng tháng để làm căn cứ cắt dịch vụ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, nhân viên thu cước VTVcab tiếp tục đến thu tiếp cước tháng 3 nhà chị Hoa trong khi chị đã yêu cầu cắt dịch vụ rồi.

Chị Hoa tỏ ra bức xúc cho rằng: "Việc đòi cung cấp Hợp đồng chính chủ mới cho dừng dịch vụ tuy không sai, nhưng gây khó khăn cho khách hàng. Bởi chủ cũ không bàn giao Hợp đồng với VTVcab cho tôi khi mua nhà, nhưng 6 năm nay tôi vẫn đóng cước hàng tháng, giờ muốn dừng chỉ cần cung cấp hóa đơn thu tiền là hợp lệ rồi". Chị Hoa kiên quyết không đóng cước phát sinh và từ đó không có nhân viên VTVcab đến thu tiền nữa.

Bên cạnh những hành vi không lấy gì đẹp đẽ kể trên, thỉnh thoảng các nhà đài cùng lên tiếng tố cáo việc mạng cáp của mình bị đối thủ phá hoại.

Hồi cuối năm 2013, trên trang web của mình và trên sóng VTV, VTVcab đã thông báo một số khu vực mạng truyền hình cáp tại Hà Nội đã bị các đối tượng xấu phá hoại với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tín hiệu truyền hình cáp.

Theo VTVcab, những bằng chứng về sự phá hoại tài sản hệ thống dây cáp do VTVcab sở hữu cho thấy việc này không thể do cá nhân làm mà được thực hiện một cách có tổ chức và quy mô. VTVcab còn chủ động cung cấp thông tin cho một số cơ quan báo chí về tố cáo của khách hàng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh do đối thủ của mình thực hiện.

Đến giữa tháng 5/2014, mạng cáp SCTV tại khu vực quận Hoàng Mai đã bị tê liệt do bị cắt cáp quang. Theo đại diện SCTV, mạng cáp của doanh nghiệp này cũng liên tiếp bị phá hoại, mà chứng cứ thu nhận tại hiện trường cho thấy chỉ cũng những người trong nghề, hiểu về kĩ thuật truyền hình mới có thể phá hoại được.

Trong tháng 9/2013, cáp quang của SCTV bị cắt tại các phường Bồ Đề, Ngọc Lâm (quận Long Biên) khiến khoảng 9.500 hộ dân không sử dụng được dịch vụ; trong tháng 10/2013 bị cắt tại phường Ngọc Lâm và phường Đức Giang làm ảnh hưởng đến hơn 2.500 hộ dân.

Mặc dù cả hai bên đã cùng mời công an vào cuộc nhưng vẫn chưa bắt quả tang kẻ phá hoại cho nên ai chủ mưu những vụ cắt cáp truyền hình vẫn chưa làm sáng tỏ.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)