mua bán chuyển nhượng tên miền

Rủi ro khi giao dịch ngầm

Bấy lâu nay, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền thường diễn ra trong thị trường ngầm. Vì không công bố công khai các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền nên rất nhiều người mua không có giá tham chiếu, không biết giá trị giao dịch thực sự của tên miền mình muốn mua. Rất nhiều tên miền đã và đang được mua bán, chuyển nhượng với giá hơn 10.000 USD.

"Trở thành nhà đăng kí tên miền quốc gia Việt Nam từ tháng 10/2012, nhiều tên miền đẹp đã có người khác đăng kí rồi, chúng tôi cũng đã và đang phải mua lại những tên miền có giá hơn 20.000 USD để sử dụng", ông Nguyễn Trọng Thơ, Tổng Giám đốc Công ty iNet cho biết trong cuộc trao đổi mới đây với ICTnews.

Khi người mua không có cơ sở tham chiếu giá thì đương nhiên khó tránh khỏi chuyện bị người bán “thổi” giá quá xa so với giá trị thực. Hiện rất khó có thể biết chính xác tên miền có giá trị cao nhất được giao dịch tại thị trường Việt Nam với mức giá là bao nhiêu

Về phía các nhà đầu tư tên miền, trong bối cảnh giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền phải diễn ra trong thị trường ngầm, thì họ cũng phải đối mặt với không ít rủi ro. Theo một nhà đầu tư tên miền, “bấy lâu nay, rất nhiều người ở Việt Nam vẫn cho rằng đầu tư tên miền là hành động xấu, việc mua bán, chuyển nhượng tên miền .vn đều diễn ra theo kiểu lén lút. Đã có những nhà đầu tư tên miền vô tình có hành động gây hiểu lầm và nhanh chóng bị quy chụp là tống tiền”.

Đầu tư tên miền không phải chuyện dễ bởi số vốn bỏ ra để đầu tư kinh doanh tên miền của nhiều nhà đầu tư rất lớn. Bà Lê Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Micronet đã từng “bật mí” với ICTnews rằng hơn 7 năm qua đã đầu tư hơn 3.000 tên miền, mỗi năm phải chi tới 1,5 tỉ đồng để duy trì số lượng lớn tên miền này, chưa kể những khoản chi phí khác như lãi suất, nhân sự,...

Trong khi đó, nhu cầu mua tên miền tại Việt Nam còn thấp, dẫn đến cung vẫn đang lớn hơn cầu rất nhiều, nhà đầu tư nếu không “trường vốn” thì không thể trụ chân trên thị trường lâu dài. Có thể liệt kê các nhà đầu tư kinh doanh tên miền vào danh sách các nhà đầu tư mạo hiểm.

Sau 1/9/2014 sẽ bớt lo

Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền Internet, có hiệu lực từ ngày 1/9/2014, đang nhen lên niềm hi vọng mới cho các nhà đầu tư kinh doanh tên miền cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng tên miền tại Việt Nam.

“Quyết định này sẽ giúp cho thị trường tên miền tại Việt Nam phát triển tốt hơn. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền sẽ được thực hiện công khai thông qua sàn giao dịch. Mọi người có thể biết được mặt bằng giá chung cũng như giá trị của những tên miền của cùng lĩnh vực hoặc tên miền gần giống nhau”, ông Nguyễn Trọng Thơ nhận xét.

Khi tên miền được công nhận là một loại tài sản có thể mua bán sòng phẳng, thì sau mỗi giao dịch, người bán tên miền có trách nhiệm đóng thuế, và Nhà nước sẽ có thêm một khoản thu vào ngân sách. Các doanh nghiệp, người mua tên miền cũng sẽ dễ dàng giải trình khoản chi phí mua tên miền như các chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng tên miền sẽ vẫn phải đối mặt với rủi ro khi thủ tục pháp lí chưa thực sự thuận tiện và phù hợp. “Đơn cử hiện tại, việc giao dịch tên miền rất khó khăn. Muốn chuyển từ chủ cũ sang chủ mới thì chỉ có mỗi một cách là hủy đăng kí tên miền đi và đăng kí lại. Khi đó có rủi ro rất lớn. Rất nhiều trường hợp đã bị mất tên miền khi người bán đã hủy đăng kí nhưng người mua chưa kịp đăng kí lại thì đã bị người khác đăng kí tranh mất”, ông Nguyễn Trọng Thơ dẫn chứng.

Để có thể mở rộng thị phần và doanh số cho lĩnh vực kinh doanh tên miền, các nhà đăng kí tên miền cùng các đơn vị liên quan như Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, Bộ TT&TT cần đẩy mạnh hơn hoạt động tuyên truyền quảng bá về việc ứng dụng, khai thác giá trị kinh doanh của tên miền. Nếu vẫn chỉ quanh quẩn giao dịch bởi vài trăm nhà đầu tư tên miền với nhau thì vẫn sẽ khó có sự khởi sắc cho thị trường tên miền tại Việt Nam.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)