Mới đây, bài kiểm tra của em học sinh do một phụ huynh đăng tải trên một trang mạng xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận thắc mắc tính đúng sai của đáp án mà giáo viên đưa ra.

Ảnh
Bài toán đang gây tranh cãi về đáp án nào đúng, đáp án nào sai.

Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:

A. 4x8=32

B. 8x4=32

C. 4+8=12

D. 8:4=2

Ở bài toán này, em học sinh lựa chọn đáp án đúng là A (4x8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8x4=32) mới là chính xác.

Cuộc tranh luận về cách giải cũng như thứ tự phép tính của bài toán này nhanh chóng được rất nhiều người quan tâm ngay sau khi phụ huynh đăng tải. Nhiều người thắc mắc 4x8 hay 8x4 thì khác gì nhau, khi đều cùng ra kết quả là 32 trong khi cô giáo lại bắt bẻ học sinh.

Thậm chí có người tỏ ra lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay.

TS Vũ Thu Hương: cần hiểu rõ bản chất

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Nhiều khi phụ huynh cũng chưa hiểu hết được lí do mà cho rằng, có nhiều bài tập rất dễ và không cần theo chỉ dạy của cô giáo, họ cũng có thể dạy con. Điều này theo tôi là không thể, dù các phụ huynh đã có những kiến thức rất tổng hợp nhưng với con trẻ thì phải có lộ trình.”

Ảnh
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Sư phạm Hà Nội

Với đề này, theo TS Hương, cần phân biệt cho học sinh hiểu đâu là đơn vị tính đâu là số lần được gấp lên. Với câu hỏi “Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?”, số gà là đơn vị tính, sẽ viết phép tính là 8x4 (tức là 8 con gà gấp lên 4 lần).

Còn viết 4x8 (sẽ được hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần). Dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32 nhưng trong khi đề yêu cầu tính số gà, vì vậy viết 4x8 sẽ sai về mặt bản chất.

“Mặc dù, các phụ huynh đã được học phép giao hoán trong phép nhân thì thấy kết quả 4x8 hay 8x4 cũng đều ra một kết quả là 32. Tuy nhiên, khi con trẻ chưa học phép giao hoán, nếu các cô giáo cho các con điểm tối đa, không khắt khe thứ tự phép tính, thì có thể khiến trẻ hiểu sai bản chất vấn đề. Đương nhiên là đúng về kết quả nhưng không đúng quy trình dạy học tiểu học. Nếu dạy theo cách nào cũng được sẽ khiến trẻ hiểu một cách rối loạn”, TS Hương nói.

Theo TS Hương, trong quá trình dạy học, các giáo viên yêu cầu học sinh phải viết đúng. Khi trẻ viết ngược, các cô sửa lại phép tính và trừ một số điểm ở đấy. Có trường hợp phụ huynh cho rằng thầy cô trù dập hay gây khó dễ cho con mình.

Vì vậy, phụ huynh cần hiểu là không phải những gì mình biết đều có thể dạy cho trẻ con ngay được, mà cần có từng giai đoạn, cần những người làm về giáo dục là vì thế. Và muốn có những góp ý đúng thì phụ huynh cần hiểu được ý đồ mà những người làm giáo dục đưa ra.

Qua câu chuyện này, TS Vũ Thu Hương cũng gửi lời nhắn nhủ mọi người cần hiểu kĩ trước khi quy kết vấn đề và đừng vội suy nghĩ ngay theo lối tiêu cực, để có những đóng góp mang tính khách quan cho nền giáo dục.

PGS.TS Trần Ngọc Lan: đáp số đúng nhưng sai ý nghĩa

PGS.TS Trần Ngọc Lan, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học - ĐHSP Hà Nội cũng có chung nhận định trên.

Bà Lan cho biết: “Hai phép toán 4x8 và 8x4 nếu chỉ đơn giản xét về kết quả thì giống nhau nhưng về ý nghĩa thực tiễn của bài này thì chỉ có đáp án B mới là đúng bởi đơn vị cần nói tới là con gà”.

Theo bà Lan, nếu bỏ qua phần trình bày, bình thường đáp số phải có thêm (con gà) thì chỉ có câu B là chính xác.

Xét theo ý nghĩa của phép nhân, 4x8 có nghĩa là 4 được cộng 8 lần (4+4+…+4), hoặc hiểu là 8 số 4 cộng lại với nhau. Còn 8x4 là 4 số 8 được cộng lại với nhau.

Xét theo định nghĩa của phép nhân sẽ là phép cộng của nhiều số hạng bằng nhau, lấy đại diện một số hạng và nhân với số số hạng.

Vậy với bài toán có 4 chuồng, mỗi chuồng có 8 con gà thì phải là 8+8+8+8, tức là 8x4 mới đúng.

Theo bà Lan, nếu chỉ yêu cầu tính hay yêu cầu tìm kết quả của phép nhân thì hai cái này đều được. Phép tính 4x8 ở phương án A trong trường hợp này về kết quả là không sai nhưng về ý nghĩa giải toán là sai hoàn toàn.

Theo Infonet.



Bình luận

  • TTCN (0)