Hiện các nhà khai thác dịch vụ truyền hình đều tính đến giải pháp chia nhỏ các gói cước dịch vụ, cung cấp dịch vụ gia tăng, trên nền tảng đa màn hình và OTT để tăng chỉ số ARPU.

Ông Jacques –Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng giám đốc K+ cho biết, hiện nay doanh thu bình quân của thuê bao tháng dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam (ARPU) thấp nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2013, ARPU ở Việt Nam vào khoảng 4-5 USD, trong khi đó Singapore là 32 USD, Malaysia là 30 USD, Indonesia 11 USD, Thailand là 11 USD, Cam pu chia là 10 USD, Myanmar là10 USD, Philippines cũng ở mức 9 USD. Ông Jacques –Aymar de Roquefeuil cho biết thêm, ông tham khảo ARPU truyền hình trả tiền ở châu Phi, là một khu vực có mức sống nghèo hơn Việt Nam nhiều lần thì chi phí xem truyền hình của người dân ở đây lên đến 20 EURO/tháng.

Lí do giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam thấp là do thị trường có cạnh tranh dữ dội giữa các nhà cung cấp truyền hình với nhau. Bên cạnh đó, do ở Việt Nam ít các kênh truyền hình độc quyền, hầu hết các nhà khai thác đều cung cấp các kênh nội dung giống nhau dẫn đến họ chỉ có thể cạnh tranh về giá, là nguyên nhân khiến giá dịch vụ ngày càng giảm.

Ông Jacques –Aymar de Roquefeuil cho rằng, trong ngắn hạn ARPU thấp sẽ giúp thị trường phát triển nhanh, nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ. Bởi vì chi phí bản quyền truyền hình và các chi phí khác đều tăng, trong khi giá thuê bao ngày càng giảm. Điều này khiến các nhà khai thác truyền hình sẽ không muốn đầu tư nhiều cho nội dung để cung cấp dịch vụ tốt, nên thị trường sẽ có ít các nội dung hấp dẫn để cung cấp cho khán giả. Về lâu dài, các nhà khai thác phải tìm mọi cách để tăng ARPU để có thể đầu tư để mua bản quyền chương trình, hoặc tự sản xuất các chương trình trong nước có chất lượng cao.

Bà Nguyên Hạnh, Tổng Giám đốc Qnet cũng cho rằng, ARPU ở Việt Nam quá thấp như hiện nay thật bất công cho sự sáng tạo nội dung. Người xem ở Việt Nam chỉ trả 60.000 – 70.000 đồng là được xem thỏa thích hàng trăm kênh truyền hình trong một tháng. Mức chi phí này chỉ tương đương với 1 bữa sáng ở các đô thị lớn mà thôi.

Bà Nguyễn Hạnh cho rằng, mức ARPU thấp như hiện nay là không đúng với mục tiêu tăng trưởng chất lượng nội dung truyền hình trả tiền. Và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cần tận dụng thế mạnh của kĩ thuật số để giải quyết bài toán tăng ARPU. Chỉ có truyền hình số mới giải quyết được việc đưa ra nhiều gói dịch vụ, các nhà khai thác có thể chia ra các gói dịch vụ càng nhỏ càng tốt, đồng thời cung cấp thêm nhiều dịch vụ gia tăng khác. Như vậy sẽ vẫn có gói cước phí thấp nhất phục vụ những đối tượng có thu nhập thấp, còn người có điều kiện chi trả cao hơn có thể chọn cùng lúc 3-4-5 gói để xem. Người nghèo vẫn có thể tiếp cận sản phẩm truyền hình trả tiền nhờ kĩ thuật số.

Giải pháp chia nhỏ dịch vụ ra làm nhiều gói và cung cấp dịch vụ trên đa màn hình là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Ông Jacques –Aymar de Roquefeuil cho biết, cách mà K+ tăng ARPU mới đây đó là K+ mới đưa ra gói dịch vụ Mulitiroom vào ngày 11/9 vừa qua. Thuê bao K+ chỉ phải trả thêm 25.000 đồng/tháng cho tivi thứ 2 trở đi trong một hộ gia đình với chi phí mua bộ đầu thu thứ 2 cũng thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc VASC – nhà cung cấp dịch vụ MyTV cũng đồng tình với cách tăng ARPU mà bà Hạnh đưa ra. Ông Tấn cho rằng, cần thiết kế những gói cước ở nhiều mức độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Bởi vậy thị trường truyền hình Việt Nam không nên có nhiều doanh nghiệp nhỏ và quá nhỏ, nếu không đủ mạnh để đạt một lượng thuê bao lớn đạt ngưỡng hòa vốn, họ sẽ bị lỗ, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Sự phát triển về công nghệ số sẽ tạo ra nhiều loại hình dịch vụ trên cùng 1 hạ tầng, MyTV có gói kết hợp giữa truyền hình và viễn thông, hoặc kết hợp với các nhà cung cấp truyền hình khác như K+, VTVcab, đồng thời MyTV cũng đã xây dựng nền tảng để cung cấp dịch vụ MyTV trên nhiều hạ tầng khác nhau: IPTV, cáp, vệ tinh, trên máy tính, mobile…

Theo ông Tấn, nên có một gói cơ bản đảm bảo nhà cung cấp sống được và có lãi, còn có những món ăn cao cấp hơn, hay hơn, nhà cung cấp phải tính toán xem có lãi không khi đưa vào hệ thống. Về nội dung, doanh nghiệp phải nghĩ ra các dịch vụ giá trị gia tăng để "thâm canh" trên nền tảng hạ tầng truyền hình trả tiền.

Ông Bùi Huy Năm, Phó Tổng giám đốc VTVcab cũng cho biết, VTVcab cũng tính đến việc phải đưa các nội dung truyền hình đến nhiều hạ tầng khác như: máy tính, mobile, Internet và OTT để giải bài toán tăng ARPU.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)