Việc phát triển công nghệ cao vẫn chưa mang lại kết quả như kì vọng.

Đổ xô vào Việt Nam đầu tư công nghệ

Hưởng ứng Quyết định 2457/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao (CNC), nhiều khu công nghệ cao (KCNC) đã ra đời, như: Hòa Lạc - Hà Nội, Quế Võ - Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh… Các KCNC này đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi (tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế…) và đó là lí do khiến nhiều “đại gia” công nghệ đổ bộ vào Việt Nam đầu tư.

Đơn cử, Samsung với lượng vốn rót vào Việt Nam lên tới 6,3 tỉ USD vào 2 khu phức hợp sản xuất điện thoại di động, màn hình linh hoạt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Hay mới đây, Microsoft tuyên bố sẽ tiến hành đóng cửa toàn bộ, hoặc một phần tư nhà máy sản xuất điện thoại smartphone Nokia tại Hungary, Trung Quốc, Mexico và 39 dây chuyền sản xuất tại 4 nhà máy sẽ được chuyển về nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh.

Tuy nhiên, điển hình phải kể tới trường hợp của Intel Products Việt Nam. Sau gần 8 năm hoạt động tại KCNC TP.Hồ Chí Minh (SHPT), công ty này đã công bố sản phẩm chip Intel Core thế hệ thứ 4 cho máy tính PC lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Theo Intel, giữa năm 2015 sẽ có tới 80% số lượng CPU Intel cho máy tính trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, những sản phẩm CPU trên, dù sản xuất tại Việt Nam nhưng chỉ là lắp ráp, vì nhà máy của Intel đặt tại SHPT chỉ là một nhà máy ATM (Assembly and Test Manufacturing), với chức năng thực hiện lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển nên Intel vẫn phải nhập khẩu toàn bộ các thiết bị CNC.

Từ thực tế trên cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam rất lớn. Nhưng điều đáng nói là đóng góp của các doanh nghiệp (DN) này cho kinh tế Việt Nam lại không cụ thể. Đơn cử là trường hợp của Intel, sau gần 8 năm đầu tư vào SHPT, nhận được rất nhiều ưu đãi, song những đóng góp cho kinh tế, xã hội tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu, bao gồm các hợp tác đầu tư về phát triển nguồn nhân lực và bán sản phẩm thông qua các siêu thị điện máy. Việc đóng góp cho nền kinh tế thông qua tiền nộp thuế và hợp tác với DN nội địa vẫn là những câu chuyện ở thì tương lai.

Chưa đủ lực làm công nghệ cao

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tràn lan ưu đãi để phát triển các KCNC không phải là hướng đi bền vững. Vì có địa phương chỉ xây dựng trung tâm phần mềm để tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, hợp tác liên doanh gia công phần mềm cũng được gọi là KCNC; có những nơi dù được gọi là Khu nông nghiệp CNC nhưng chỉ có các hoạt động sản xuất cây giống, xây dựng mô hình nhà kính hiện đại… Những KCNC này không tạo ra các ích lợi mong muốn mà còn gây lãng phí trong đầu tư và rối loạn khi xác định đối tượng hưởng ưu đãi...

Theo TS. Nguyễn Trọng - nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, hiện nay, Việt Nam chưa có đủ cơ sở để hình thành chiến lược phát triển CNC. Lí do, KCNC phải tích hợp được các hoạt động sản xuất và các nghiên cứu phát triển các công nghệ về CNC (còn gọi là R&D). Theo đó, một KCNC muốn đạt được những lợi ích mong muốn phải đảm bảo 3 chỉ số: P, Q và R (trong đó, P là số các DN CNC và các viện nghiên cứu; Q là số tiến sĩ làm việc trong các DN và các viện nghiên cứu; R là số bằng sáng chế được cấp hàng năm cho các DN và các viện nghiên cứu trong khu).

Hiện nay, việc phát triển các KCNC tại Việt Nam đang thiếu cơ sở để tạo ra một chiến lược thích hợp. Việc quá kì vọng vào những lợi ích mang lại từ lĩnh vực CNC, cũng như đổ xô khuyến khích phát triển các KCNC tại các địa phương chắc chắn sẽ mang lại những kết quả không như kì vọng…

Theo Baocongthuong.



Bình luận

  • TTCN (0)