Arsh Shah Dilbaghi

Với một dự án vô cùng đặc biệt, cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ có tên Arsh Shah Dilbaghi đã mang tới Hội chợ Khoa học của Google năm nay một thiết bị chuyển đổi đặc biệt giúp biến đổi hơi thở từ mũi trở thành ngôn từ giao tiếp.

Có tên gọi Talk, thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc đo chiều dài hơi thở của hai lỗ mũi thông qua một ống nhỏ và biến đổi chúng trở thành các dấu chấm hay dấu gạch ngang trong mã Morse.

Những đoạn mã này sau đó sẽ được tiếp tục chuyển tới một thiết bị bên ngoài có nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu trở thành các câu từ nhất định và được phát ra thành tiếng với một trong 9 thứ tiếng tổng hợp được tích hợp sẵn. Ngoài ra, Talk cũng có một chế độ thứ hai cho phép người dùng nói bằng các câu lệnh hoặc cụm từ cụ thể.

Chia sẻ về dự án đặc biệt này, Dilbaghi cho biết, 1,4% dân số trên thế giới hiện nay đang phải chịu những căn bệnh liên quan đến rối loạn giao tiếp, những thiết bị hỗ trợ hiện nay đều khá cồng kềnh và tốn kém, nhưng không thể giúp họ có thể nói chuyện trong một thời gian dài.

Với thiết bị này, Dilbaghi hi vọng có thể sẽ giúp đỡ tối đa cho những người không may mắn mang trong mình những căn bệnh quái ác như Parkinson, ALS hay một số bệnh liên quan tới thần kinh vận động khác khiến họ rất khó khăn trong giao tiếp hàng ngày.

Ảnh
Giáo sư Stephen Hawking mắc căn bệnh về thần kinh vận động và chứng teo cơ vẫn có thể giao tiếp được nhờ vào một thiết bị biến đổi giọng nói.

Thậm chí, trong tương lai, nhà phát minh trẻ tuổi này còn dự định sẽ bổ sung thêm tính năng tự động đoán từ cho thiết bị và mong muốn có thể tích hợp Talk vào Google Glass để sớm mang lại hi vọng mới cho nhiều bệnh nhân khuyết tật trên thế giới.

Được biết, hội chợ Khoa học Google thường niên là một sân chơi trực tuyến bổ ích cho lứa tuổi thanh thiếu niên có niềm đam mê khoa học và công nghệ. Ở đó, những người tham dự sẽ phải xây dựng một giả thuyết, thực hiện thử nghiệm và sau đó trình bày kết quả thu được.

Những dự án thắng chung cuộc sẽ nhận được một chuyến đi trải nghiệm 10 ngày tới quần đảo Galapagos, khoản học bổng lên tới 50.000 USD và chuyến tham quan tới sân bay vũ trụ Mỹ Spaceport của công ty Virgin Galactic tại sa mạc Mojave. Tại hội chợ năm nay, Dilbagi đã lọt vào top 15 dự án tham gia vào vòng chung kết.

Nguồn Dailymail.



Bình luận

  • TTCN (0)