Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi km đường nội thành có tới 16 chiếc xe taxi hoạt động. Việc vẫy taxi trên phố không khó, nhưng những khách hàng như chị Trần Hoài Minh vẫn tuyệt đối tin tưởng chiếc điện thoại thông minh của mình mỗi khi gọi taxi. Chỉ một vài thao tác, mọi thông tin về tài xế, họ tên, số điện thoại, ngay cả vị trí hiện tại và quá trình di chuyển của tài xế đến đón khách hàng cũng hiển thị đầy đủ trên màn hình.

Khách hàng Trần Hoài Minh chia sẻ: “Biết số điện thoại tương tác với nhau cũng khiến cho việc liên lạc với lái xe dễ dàng hơn. Giả sử chúng ta bị quên một đồ gì đó trên xe, có thể dễ dàng liên lạc với lái xe”.

Bên cạnh ứng dụng Grab taxi và Easy taxi được phát triển bởi các công ty công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới, thị trường ứng dụng gọi taxi tại Việt Nam cũng có sự góp mặt của các công ty trong nước. Những ứng dụng này đóng vai trò kết nối giữa khách hàng và lái xe taxi của các hãng taxi sẵn có, trong thời gian thực, chạy trên nền các hệ điều hành của điện thoại thông minh.

Với những ứng dụng này, tài xế sẽ tăng số lượng khách hàng và giảm chi phí do giảm thiểu được tối đa việc chạy xe không. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, trung bình tài xế taxi bị mất từ 1.500 đến 1.700 đồng cho mỗi km chạy trên đường để tìm đón khách. Chi phí này hàng tháng sẽ là 1-2 triệu đồng.

Bên cạnh các hãng taxi lớn còn do dự trong việc cho phép tài xế của mình được khai thác nguồn khách hàng qua các ứng dụng này, các hãng taxi nhỏ hơn lại nhận thấy đây là một cơ hội để tăng nhận diện thương hiệu và tiếp cận khách hàng mới. Quan trọng hơn cả là những quy định phù hợp để lái xe taxi, hãng taxi và ứng dụng đều mang lại lợi ích cho khách hàng.

Theo VTV.



Bình luận

  • TTCN (0)