Sáng 17/9, Hội nghị cấp cao Việt Nam Semi về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã được khai mạc với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, các công ty, tập đoàn về công nghệ vi mạch trên toàn thế giới. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, công nghiệp bán dẫn có vai trò cực kì quan trọng, mang lại doanh thu khá lớn cho tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Hiện doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn đã đạt mức khoảng 270 tỉ USD/năm. Chỉ tính riêng thị trường châu Á, con số này đạt khoảng 120 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng 18,5%. Nhiều nhà máy sản xuất chip điện tử đã được đầu tư ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ.

Với tầm nhìn chiến lược của mình, từ năm 2011, TP HCM đã là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm vi mạch. Trong đó, chủ trương xây dựng hệ sinh thái từ khâu nghiên cứu thiết kế đến thương mại sản phẩm vi mạch được nhiều đại biểu đánh giá cao. Một số sản phẩm như chip vi xử lí 8 bit VN801, chip vi xử lí 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1… có khả năng ứng dụng trên nhiều dòng sản phẩm khác nhau đã gây được tiếng vang lớn. Hiện nay, TP HCM đang xúc tiến xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỉ con chip/năm và doanh thu ước tính 90 triệu USD/ năm, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Dự kiến, từ 3 đến 6 tháng nữa, nhà máy này sẽ bắt đầu triển khai xây dựng.

Dù đã có những thành công bước đầu, nhưng nhiều đại biểu tại Hội nghị cấp cao Việt Nam Semi lần này cũng lên tiếng cảnh báo về những khó khăn mà Việt Nam cần phải giải quyết nếu muốn phát triển mạnh ngành công nghiệp vi mạch trong thời gian tới. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Mỗi năm, các công ty đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch tại TP HCM như Applied Micro, Arrived Technology… cần tuyển khoảng 1.000 kĩ sư vi mạch, nhưng trên thực tế, con số đào tạo ra ít hơn rất nhiều so với nhu cầu.

Một khó khăn khác cũng cần phải kể tới, đó là hiện nay, thị trường vi mạch thế giới đang dần bị bão hòa với mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 4% mỗi năm. Trong khi các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển sớm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu để thay đổi công nghệ thì chúng ta vẫn chỉ đang loay hoay trong việc sản xuất các sản phẩm vi mạch đơn giản. Các đơn vị trong nước có khả năng nghiên cứu, thiết kế vi mạch chủ yếu là các đơn vị vừa và nhỏ.

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)