Vụ thất lạc thiết bị chụp ảnh có chứa nguồn phóng xạ của Công ty TNHH APAVE Châu Á - Thái Bình Dương chi nhánh TPHCM (gọi tắt là Công ty APAVE) vừa xảy ra làm dư luận “thót tim” và một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động.

Thót tim

Ngày 19/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã báo cáo UBND TPHCM vụ mất cắp thiết bị chụp ảnh có chứa nguồn phóng xạ tại TPHCM. Theo đó, ngày 15/9, Sở KHCN tiếp nhận trình báo của ông Huỳnh Tấn Hoàng, Phó giám đốc phụ trách công tác kiểm định không phá hủy mẫu (NDT) của Công ty APAVE về sự cố bị mất cắp thiết bị chứa nguồn hạt nhân của công ty.

Ảnh
Sơ đồ thiết bị chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm vừa thu hồi được. Ảnh: Sở KHCN.

Căn cứ quy trình ứng phó - xử lí sự cố bức xạ theo quy định của Bộ KHCN, Sở KHCN đã họp khẩn với các cơ quan đơn vị liên quan để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố, xác định hướng xử lí và triển khai công tác điều tra, xác minh nhằm nhanh chóng thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc.

Đến ngày 18/9, UBND TPHCM ra quyết định thành lập tổ công tác với thành phần gồm Sở KHCN, Phòng PA81 (Công an TPHCM), Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân, Cục Công tác phía Nam (Bộ KHCN), Công an quận Tân Bình, Trung tâm hạt nhân TPHCM.

Tổ công tác đã triển khai 4 nhóm tìm kiếm, sử dụng thiết bị dò tìm để rà soát, đo độ phóng xạ tại những vị trí, khu vực khả nghi (nhà đối tượng nghi vấn, các cơ sở thu mua phế liệu, các cửa hàng kinh doanh, mua bán sửa chữa thiết bị điện, các chợ kinh doanh phụ tùng …).

Đến 18 giờ ngày 18/9, Công an quận Tân Bình phát hiện và cô lập thiết bị tại một căn nhà thuộc khu phố 6, đường Vườn Lài (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú). Tổ công tác đã đến hiện trường xác định mức độ nguy hiểm và thu hồi thiết bị chứa nguồn phóng xạ.

Kết quả đo hoạt độ phóng xạ của thiết bị chứa – projector và nguồn phóng xạ - Iridium-192 cho thấy môi trường và con người xung quanh không bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và tiến hành trao trả thiết bị tìm được cho Công ty APAVE.

Theo Sở KHCN, một khi chất phóng xạ trong thiết bị nói trên bị rò rỉ ra bên ngoài, con người bị chiếu xạ liều cao trong thời gian ngắn (tiếp xúc trực tiếp với lõi thiết bị) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ mạch máu, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh trung ương và có triệu chứng cấp của việc nhiễm phóng xạ như buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, da nổi ban đỏ, bỏng, loét…

Địa phương không được “quản”

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở KHCN (đề nghị không nêu tên) cho biết trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 1000 đơn vị, cơ sở y tế có sử dụng thiết bị chứa nguồn phóng xạ liều thấp phục vụ trong công tác khám chữa bệnh (thiết bị chụp X quang, MRI,…) và gần 20 cơ quan, đơn vị sử dụng thiết bị chứa nguồn phóng xạ liều cao, ứng dụng trong công nghiệp. Các thiết bị nói trên tập trung trong các nhà máy, công trường phục vụ sản xuất.

Theo quy định, địa phương chỉ “quản” đối với các thiết bị chứa nguồn phóng xạ liều thấp sử dụng trong y học. Các thiết bị có chứa nguồn phóng xa liều cao ứng dụng trong công nghiệp do Bộ KHCN quản lí. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc bảo quản, sử dụng các thiết bị chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm không chặt chẽ.

Tại một số thành phố lớn như TPHCM được trang bị thiết bị dò tìm hoạt độ phóng xạ hiện đại không kém so với thiết bị của Bộ KHCN song địa phương không thể chủ động tìm kiếm ngay từ đầu mà phải phối hợp với các cơ quan liên qua và Bộ KHCN.

Qua sự việc trên, Sở KHCN đã kiến nghị UBND TPHCM sớm có văn bản trình Bộ KHCN phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân trên địa bàn TPHCM để có quy trình xử lí tốt nhất khi các sự cố không mong muốn xảy ra, đồng thời phân cấp cho các tỉnh thành, đặc biệt là TPHCM quản lí các thiết bị, nguồn phóng xạ ứng dụng trong công nghiệp, y học và các ngành dịch vụ khác.

Theo Tienphong.




Bình luận

  • TTCN (0)