Qua blog, ngày càng nhiều bạn trẻ quen nhau cụ thể hóa bằng những buổi gặp gỡ offline. Ảnh: photobucket.com.

Viết blog thành công không đơn thuần chỉ viết hay, viết nhiều mà điều quan trọng là xây dựng được mối liên kết với độc giả và làm cho mối liên kết đó phát triển mạnh mẽ thông qua các "comments" và các "links back" cũng như làm cho những cuộc thảo luận "cất cánh". Để trở thành blogger thành công, bạn cần áp dụng bí quyết sau đây.

Xác định mục đích.

Trước tiên, bạn phải có một "chiến lược viết blog", cũng gần giống phương án PR của doanh nghiệp với mục tiêu kinh doanh (nếu bạn muốn sử dụng blog của mình cho mục đích này).

Thứ hai, bạn phải đưa ra được những nội dung phù hợp. Nhất thiết phải xây dựng được mối quan hệ blogger. Đó là tất cả những gì mà một blogger cần phải quan tâm, bởi vì chỉ khi nào bạn xây dựng được quan hệ với các blogger khác thì bạn mới bắt đầu và duy trì được những cuộc trao đổi, những đoạn đối thoại.

Không giống như quan hệ công chúng hay quan hệ báo chí, nơi bạn cố gắng bày to quan điểm riêng, thì với quan hệ blogger, bạn phải khởi xướng và tham gia vào những cuộc thảo luận, tranh luận với các blogger khác và với độc giả của mình. Và trong quá trình tham gia vào những cuộc trao đổi này, bạn có cơ hội làm quen được nhiều người trong lĩnh vực cùng quan tâm.

Bạn cũng có thể xây dựng được uy tín cũng như "thương hiệu" của mình bằng cách tỏ ra biết lắng nghe hoặc những "comment" có chất lượng.

Nếu các bước đã đúng hướng đi, bạn sẽ nhận được sự ủng hộ của độc giả và các blogger khác bằng các "link back" tới blog của mình khi họ cần trích dẫn một ý kiến có sức nặng. Càng xây dựng được mối quan hệ tốt với các blogger thì công việc "blogging" của bạn càng dễ thành công.

Thiết lập những giá trị.

Xây dựng một giá trị nào đó cho độc giả của bạn là mục tiêu số một của việc lập blog. Nếu không, độc giả chẳng có lý do gì để quay trở lại. Đây là lúc bạn nên áp dụng một chiếc lược "quan hệ công chúng" để xây dựng nội dung phù hợp cho độc giả nhằm lôi kéo sự chú ý.

Phân tích thực tế để duy trì độc giả.

Bạn thu thập thông tin và đăng tải những bài báo có thể gây được sự chú ý của độc giả. Nhưng khi là một blogger đưa tin, thì cách viết không đơn giản chỉ là mô tả lại tin tức đó, mà điều quan trọng nhất là phải đưa ra được những đánh giá hết sức mới mẻ, nhiều thông tin và có tính giải trí cho người đọc.

Bằng cách này, bạn sẽ nuôi dưỡng được người đọc và duy trì được số lượng những người yêu thích "gu" blog của bạn. Đó là lý do tại sao những ý kiến, quan điểm cá nhân và kinh nghiệm lại có thể giúp bạn xây dựng được uy tín và khuyến khích người đọc trung thành.

Bổ sung quan điểm cộng đồng.

Nếu cho rằng tin tức là quan trọng thì việc quan trọng hơn là đưa ra quan điểm của bạn về tin tức đó. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chưa đủ, bạn cần phải dành chỗ để cho cộng đồng đưa ra ý kiến của họ hoặc bạn cung cấp cho họ những liên kết đến các website, đến các blog khác thể hiện quan điểm của họ về vấn đề đó.

Trả lời comment cho gắn bó quan hệ.

Blog chính là trao đổi, là chuyện trò, và là cơ hội để tương tác với độc giả. Có rất nhiều người viết bài, có rất nhiều "post" chẳng nhận được một comment nào, nhưng một khi có ai đó vào comment thì bạn nên hồi âm càng sớm càng tốt.

Ứng xử trên blog cũng rất giống với cách hai người nói chuyện trực tiếp với nhau. Trong khi bạn tập trung vào trả lời comment của một người nào đó, bạn cũng nên quan tâm tới cả thái độ của những người khác.

Nói một cách khác, là bạn vừa tìm cách ứng xử tốt với comment mà bạn nhận được nhưng đồng thời cũng phải nhường chỗ cho những người chưa và sẽ comment sau đó. Như vậy, ai cũng có thể có cơ hội để comment và ai cũng... được lợi.

Bám sát các cuộc trao đổi.

Để cho các cuộc trao đổi trên blog của bạn liên tục "nở hoa", bạn phải luôn nắm bắt được các cuộc trao đổi đó đang diễn ra như thế nào. Do đó, bạn cần phải theo dõi cả hai chiều để luôn luôn biết được các trao đổi diễn ra như thế nào, đến đâu và tìm cách kích thích độc giả để các trao đổi không bao giờ "chết".

Hãy tự tin dù bị chỉ trích.

Bản chất của trao đổi là luôn nhận được những lời bình luận thậm chí là chỉ trích, nhưng đừng ngại nếu có ai đó chỉ trích ý tưởng hay hành động của bạn trên blog.

Bạn hãy đón nhận nó một cách tích cực theo cách tìm kiếm xem có cơ hội nào để bắt đầu một cuộc trao đổi từ chính những chỉ trích này không. Trên môi trường blog, bạn sẽ được tôn trọng hơn nếu bạn thể hiện khả năng hồi đáp đối với những bình luận.

Thêm vào đó, việc tự đánh giá về công việc của mình cũng lôi kéo được sự chú ý và thảo luận, cũng như lôi kéo được độc giả. Hơn nữa, đánh giá của độc giả cũng luôn có ý nghĩa xây dựng. Cho nên, bạn hãy đánh giá cao những góp ý của độc giả.

Tìm kiếm nội dung và ý tưởng qua phỏng vấn.

Đó là một cách tuyệt vời để đưa ra được những nội dung thú vị cho blog. Hãy tìm một blogger khác và phỏng vấn họ sẽ là một cách để tăng "traffic" và liên kết tới blog của bạn. Rất nhiều blogger tỏ ra thích thú với hình thức phỏng vấn này vì nó cho phép "đôi bên cùng có lợi" vì có nhiều "link back" cho cả hai.

Quảng bá blog.

Giống như cuốn sách được xuất bản nếu thu hút được càng nhiều độc giả thì càng khẳng định sự  thành công. Viết blog cũng vậy, khi bài viết của bạn đã được viết ra, bạn cũng sẽ phải quảng bá nó thông qua "chat" với đồng nghiệp, bạn bè... để bắt đầu những cuộc thảo luận, trao đổi.

Kết nối với những độc giả trung thành và có nhiều ý kiến càng nhiều càng tốt. Bằng cách này sẽ có nhiều người biết đến blog của bạn và bạn sẽ nhận thấy được những tác động của nội dung viết ra.

Tích cực giám sát.

Bạn nên theo dõi thường xuyên để biết được có bao nhiêu blog khác trích dẫn hoặc "link back" đến blog của mình cũng như tìm kiếm xem có bao nhiêu blog có cùng lĩnh vực. Qua đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển cộng đồng độc giả của mình hơn.

Theo VTCnews



Bình luận

  • TTCN (0)