Chiếc Dream Chaser của công ty Sierra Nevada.

Kể từ khi tàu con thoi cuối cùng buộc phải ngừng hoạt động cách đây 3 năm, NASA không còn phương tiện nào khác để đưa người lên ISS, do đó buộc phải chấp nhận thuê chuyến bay trên tàu Soyuz của Nga. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, giá thuê tàu Soyuz của Nga hiện nay là quá cao, lên đến 70 triệu USD cho mỗi người lên ISS, và đây là mức giá "không thể chấp nhận được".

Hơn nữa, trong khi quan hệ giữa 2 nước Nga - Mỹ đang hết sức căng thẳng, rủi ro trong hợp tác bay là rất cao. Chính vì thế, NASA đã nghĩ đến chuyện tìm kiếm một phương án khác thay thế tàu Nga.

Theo tờ Washington Post, để thực hiện kế hoạch trên, NASA đang chuẩn bị chào mời một hợp đồng trị giá nhiều triệu USD tìm kiếm các công ty tư nhân đóng tàu để cho mình thuê lại, đưa người lên ISS, sau khi quay về thì trả lại tàu. Dự án này được dự báo là sẽ bơm một nguồn tài chính dồi dào vào ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân, đồng thời NASA tiếp tục lệ thuộc càng nhiều hơn vào các nhà thầu cho thuê, vốn cũng đã cung cấp một số phi vụ vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ trong vài năm gần đây.

NASA hi vọng những khoản tài trợ của ngân sách chính phủ sẽ tạo nên tác động rộng lớn hơn, có thể giúp nâng đỡ các công ty nhỏ, mới tham gia thị trường hàng không vũ trụ cạnh tranh với các công ty lớn, từ đó tạo ra một thị trường hàng không vũ trụ thương mại lớn, có thể cung cấp dịch vụ du hành vũ trụ cho không chỉ các tỉ phú giàu có mà cả những nhà khoa học, các chính phủ nước ngoài nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhiều chuyên gia ngành không gian, hợp đồng đóng tàu vũ trụ mới hiện nay là cuộc cạnh tranh đích thực giữa các “ông lớn” trong ngành, cụ thể là 2 công ty "thế hệ mới" SpaceX và Sierra Nevada, và một công ty "thế hệ cũ" là Boeing.

Ngoài ra, Blue Origin, Amazon.com và Jeffrey P. Bezose cũng đang là đối tác của NASA trong chương trình này. Các tàu vũ trụ do các công ty này thiết kế dù đã đạt các tiêu chuẩn do NASA đặt ra, nhưng vẫn còn cần phải chứng minh là có thể đưa con người vào không gian một cách an toàn - điều cho đến nay chưa có công ty tư nhân nào làm được ngoài chính phủ các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga (trước đây là Liên Xô). Để đáp ứng được yêu cầu cực khó này, các công ty sẽ phải vượt qua một chương trình cấp giấy chứng nhận của NASA, được cho là có thể kéo dài nhiều năm.

Cho đến nay, về giá cả thì các công ty tham gia đấu thầu đều cho rằng mình có thể cung cấp dịch vụ với mức giá thấp hơn nhiều giá tàu của Nga. Tỉ phú Elon Musk, ông chủ của công ty SpaceX, cho rằng, người Nga lâu nay đã áp giá quá cao cho cái ghế của người Mỹ trên tàu vũ trụ Soyuz, đồng thời tuyên bố rằng, SpaceX có thể đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS với giá "có thể dưới 20 triệu USD".

Musk từng nổi tiếng là một người cổ xúy cho phong trào du lịch vũ trụ, từng tuyên bố rằng con người nên là "một giống loài đa hành tinh" và từng làm dậy sóng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ với tư cách là công ty tư nhân đầu tiên giao hàng lên ISS. Kể từ đó, SpaceX đã có những động thái quyết liệt tranh giành thị phần phóng vệ tinh an ninh quốc gia lên quỹ đạo.

SpaceX đang đụng phải “gã khổng lồ” United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Boeing với Lockheed Martin, hiện đang nắm độc quyền trong lĩnh vực này. Đầu năm nay, SpaceX đã kiện Không quân Mỹ ra tòa vì đã dành ưu tiên độc quyền cho ULA. Musk cũng kịch liệt công kích liên doanh ULA vì sử dụng động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất khiến cho ngành vũ trụ Mỹ bị lệ thuộc quá nhiều vào Nga.

Tuy nhiên, Boeing đã phản bác lại các tuyên bố của Musk và SpaceX. Hãng Boeing tự hào là nhà kĩ nghệ khổng lồ lâu đời trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, có quá thừa kinh nghiệm để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty thế hệ mới như SpaceX. Với di sản khổng lồ là các chương trình tàu con thoi Apollo, Gemini và Mercury, Phó Chủ tịch Boeing Space Exploration tự tin cho rằng kinh nghiệm và trình độ kĩ thuật của Boeing là "vô địch". Tuy vậy, SpaceX đã đóng được tàu Dragon và đã sử dụng tàu này để đưa hàng lên ISS và quay về trái đất.

Mỗi năm, NASA cần bay 2 chuyến đi và về lên Trạm ISS. Và các công ty đang hi vọng sẽ khai thác tối đa lợi nhuận từ những chuyến bay hàng không vũ trụ này thông qua việc đa dạng hóa đối tượng khách hàng và cung cấp dịch vụ. Vì vậy, các công ty đang ráo riết cải tiến kĩ thuật, hiện đại hóa các kiểu tàu vũ trụ nhằm giành lấy thị phần béo bở này.

Trong cuộc đua hấp dẫn này, ngoài Boeing và SpaceX, còn có Công ty Sierra Nevada, cũng vừa trình làng một thiết kế hết sức thú vị: Một chiếc "máy bay vũ trụ" kiểu giống như tàu con thoi nhưng có thể cất hạ cánh trên đường băng sân bay dân dụng. Chiếc máy bay mang tên Dream Chaser có thể bay có hoặc không có phi công cũng được, và có thể sử dụng đến 30 lần bay, được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Atlas V.

Theo Cand.




Bình luận

  • TTCN (0)