Theo thống kê, hàng triệu máy tính trên toàn thế giới đang xem các trận đấu bóng đá mà không phải trả một đồng tiền phí thuê bao, nhờ dùng các phần mềm hỗ trợ như Sopcast, Ace Stream… hoặc xem trực tuyến qua các website. Ban tổ chức các giải đấu lớn trên thế giới lo ngại rằng sự gia tăng tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề bản quyền truyền hình, “cần câu cơm” của các CLB.

Xem bóng đá “chui” là phạm tội

Để ngăn chặn tình trạng này, Premier League đã thực hiện một cuộc vận động hành lang trên diện rộng, ở toàn lãnh thổ nước Anh, châu Âu và quốc tế. Luật sư của giải đấu này đã liên lạc với các quan chức thể thao trên toàn thế giới, ông chủ của các hãng truyền thông và những bên bị ảnh hưởng khác để làm rõ sự cần thiết phải hành động khẩn cấp.

Premier League cũng dẫn đầu một liên minh gồm 27 tổ chức, chuẩn bị một báo cáo gửi lên Tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8. Mục tiêu của những người đứng đầu giải đấu số 1 nước Anh là nâng nhận thức lên tầm cao và muốn các Chính phủ cũng phải hành động.

“Chúng tôi đã gửi hơn 700 lá thư tới các tổ chức liên quan để yêu cầu cùng hành động”, một luật sư của Premier League cho biết.

Liga, giải đấu hàng đầu tại Tây Ban Nha cũng ủng hộ đợt phát động khởi nguồn từ nước Anh. Ngày 8/10, một cuộc họp lãnh đạo của các đội bóng với chủ đề “Câu lạc bộ bóng đá giữa ngã tư đường” đã được tiến hành ở Barcelona. Liga cho rằng việc xem bóng đá trực tuyến “chui” sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến tính chuyên nghiệp của trò chơi trong tương lai. Họ cũng kêu gọi pháp luật cần nghiêm khắc hơn và phạt nặng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ internet và cả người hâm mộ xem bóng đá qua các luồng bất hợp pháp.

“Chúng ta cần phải bài trừ những trận đấu bóng đá được phát bất hợp pháp qua internet. Vi phạm bản quyền nghe nhìn đang gây ảnh hưởng đến kinh tế của các CLB. Chúng ta phải hành động vì sự sống còn của bóng đá”- Chủ tịch Barcelona Josep Bartomeu kêu gọi.

“Xem bóng đá trực tuyến qua các kênh bất hợp pháp là phạm tội. Nếu có đủ luật để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, khán giả sẽ phải tuân theo. Nếu không, họ sẽ vô tư xem các trận đấu miễn phí”- Tổng giám đốc Jose Angel Sanchez của Real Madrid nhấn mạnh.

Không dễ để thành công

Hai giải pháp để trấn áp việc vi phạm bản quyền được đưa ra gồm: buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet chịu trách nhiệm về hành động của các thuê bao của họ, hoặc tạo một IP riêng biệt để phối hợp hành động trên toàn lãnh thổ.

Mặc dù hành động mạnh mẽ như vậy nhưng hiệu quả của đợt phát động này chưa mang tính toàn diện. Theo báo cáo từ ban tổ chức Premier League, chiến dịch đã giúp họ loại trừ 87% tỉ lệ xem bóng đá chui trên internet ở Anh. Nhưng vấn đề là phần lớn các máy tính xem chui này lại nằm ở nước ngoài - nơi các giải đấu gặp không ít khó khăn trong vấn đề kiểm soát.

Các trang web thường sử dụng hồ sơ giả khi đăng kí tên miền, và địa chỉ ISP thường ở những đất nước thiếu kiểm soát về hoạt động bản quyền trên internet. 60% địa chỉ ISP này đến từ Trung Quốc và phần còn lại rải rác ở các quốc gia châu Á khác. Trung Quốc vì thế được coi là “bến cảng an toàn” cho những trang web vi phạm bản quyền phát sóng các trận đấu.

Trước đây, lượng khán giả xem qua kênh này chưa đông do chất lượng âm thanh và hình ảnh kém, thường xuyên bị nhiễu. Nhưng gần đây, với nguồn cung cấp dữ liệu có chất lượng cao hơn, dễ truy cập hơn, ngày càng có nhiều người hâm mộ từ bỏ trả phí thuê bao dịch vụ để hướng đến kênh miễn phí này.

Nhức nhối mang tính toàn cầu này khiến các giải đấu vẫn luẩn quẩn trong những cuộc phát động quốc nội. Làm sao để chiến dịch mang tính nhất quán, tổng thể và toàn diện, là câu hỏi mà họ cần giải quyết trước khi gói bản quyền truyền hình bị thu hẹp bởi ảnh hưởng từ những chiếc máy tính đặt ở châu Á xa xôi.

Theo Thethaovanhoa.




Bình luận

  • TTCN (0)