Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chiếc iPhone của mình ngày càng chậm chạp sau 1, 2 năm sử dụng? Tại sao một thiết bị từng được xem là tuyệt vời lại gặp nhiều trở ngại đến vậy khi thực hiện các tác vụ đơn giản hoặc tải ứng dụng?

Câu trả lời nằm ở phần mềm của Apple. Đó cũng là phần chính trong chiến lược giữ hàng triệu người dùng mua iPhone mới của hãng.

Apple phát hành bản cập nhật lớn 1 lần/năm. Vào mùa thu hàng năm, người dùng iOS đều háo hức chờ đón bản iOS mới - phần mềm chỉ hoạt động tốt nhất trên thiết bị mới ra mắt của hãng, thường vào cùng thời điểm mùa thu. Trong khoảng thời gian đó, các nhà phát triển ứng dụng cũng liên tục cập nhật ứng dụng của họ để tương thích với bản cập nhật mới.

Apple đã khéo léo thiết kế các bản cập nhật mới với nhiều tính năng hơn, tốn nhiều dung lượng hơn và yêu cầu cấu hình mạnh mẽ hơn. Như một kết quả tất yếu, phần mềm đó không thể hoạt động tốt trên các mẫu iPhone đời cũ.Hệ thống này đã vận hành rất thành công. Người dùng iPhone tại Mỹ có xu hướng mua một chiếc iPhone mới sau mỗi 2 năm.

Trong bản cập nhật iOS 8 mới đây, chiến lược này càng thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Justen Meyer – 33 tuổi, tỏ ra nuối tiếc khi đã cập nhật lên iOS 8: “Nó thật tồi tệ. Ứng dụng không hoạt động. Twitter không thể mở được”. Trước khi cập nhật iOS 8, chiếc iPhone 4S của anh hoạt động “hoàn hảo”, anh cho biết. “Trước đó, tôi hoàn toàn hài lòng. Giờ đây, tôi sẽ phải cân nhắc xem có nên mua một chiếc iPhone mới hay không?”

Meyer không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề nói trên. Việc người dùng phàn nàn về việc iPhone của họ tạo cảm giác chậm sau khi iPhone mới và bản cập nhật ra mắt không phải chuyện mới. Năm ngoái, một người dùng Mỹ đã gửi thư đến The New York Times để phàn nàn về việc chiếc iPhone 4 của anh ta chạy như rùa bò sau khi iPhone 5S và 5C ra mắt. Sendhil Mullainathan – giáo sư kinh tế trường đại học Harvard ghi nhận trên New York Times rằng, tỉ lệ tìm kiếm từ khóa “iPhone slow” luôn tăng đột biến mỗi khi iPhone mới ra mắt.

Theo nghiên cứu của Mike Gikas – biên tập viên tại Consumer Reports, iPhone với tuổi đời khoảng 1 năm vẫn sẽ chạy tốt khi cập nhật hệ điều hành mới. Chỉ những model cũ hơn mới bắt đầu gặp phải hiện tượng giật, lag.

“Apple khuyến khích nhà phát triển hướng đến bản iOS mới nhất bằng cách cung cấp các công cụ, API chỉ dành cho bản iOS đó” – John Poole, người sáng lập ra Primate Labs – công ty sản xuất ứng dụng kiểm tra tốc độ của smartphone của Mỹ cho hay. “Chẳng hạn, rất khó để viết một ứng dụng hỗ trợ cả iOS 7 và kích thước màn hình 4,7 hoặc 5,5 inch trên iPhone 6 và 6 Plus”.

Tất nhiên, Apple cũng gặp phải áp lực phải phát triển phần mềm. Họ không thể cứ nhìn lại xem những mẫu iPhone cũ chạy thế nào để điều chỉnh một bản cập nhật mới. Họ muốn giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp smartphone. Do đó, họ cần tập trung vào tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên các sản phẩm mới nhất.

“Apple phải đối diện với 2 lựa chọn: Hoặc tạo ra một nền tảng hoạt động tốt trên các mẫu iPhone cũ hoặc làm hệ điều hành tối ưu hóa tốt phần cứng mới nhất và họ đã chọn cách thứ 2”, Poole cho hay. Christopher Mims – cựu biên tập viên mảng công nghệ của Quartz, người đã sử dụng sản phẩm Apple hơn 20 năm nay cho biết, cách đơn giản nhất để tận dụng các thiết bị đời cũ của "Quả táo" là không cập nhật phiên bản hệ điều hành mới.

“Trừ các bản cập nhật nhỏ, các bản vá lỗi, bạn không nên nâng cấp hệ điều hành iOS, đặc biệt là khi thiết bị hiện tại đang làm tốt mọi việc”. Mims hiện đang sở hữu một chiếc iPhone 5S và ông không có kế hoạch nâng cấp lên iOS 8.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)