Cụ thể, tổng số vốn mà VNPT đầu tư ngoài ngành và thực hiện thoái vốn là hơn 2.000 tỉ đồng. Kế hoạch thoái vốn của tập đoàn này trước mắt là tập trung vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sau đó sẽ thoái dần ở những đơn vị vốn đầu tư ít và không đáng kể.

Theo ông Hùng, thời điểm hiện tại, VNPT đã thoái vốn xong tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) với giá trị là 400 tỉ đồng. Số lượng, tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi thoái vốn của VNPT tại công ty này là 40.596.532 cổ phiếu, chiếm 31,02% vốn điều lệ Sacom.

Sắp tới VNPT sẽ tiếp tục thoái vốn tại Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) với giá trị lên tới khoảng 700 tỉ đồng.

“Khi thoái vốn, VNPT đều có lãi, không lỗ. Đơn cử với hai doanh nghiệp mà VNPT đầu tư vốn lớn nhất như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom và Ngân hàng Hàng hải chiếm nửa số vốn đầu tư ngoài ngành của VNPT, chúng tôi cũng lãi”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Ông cũng cho biết, tất cả những đơn vị thuộc danh sách thoái vốn, đến thời điểm 2015 VNPT sẽ thoái hết, không duy trì. Nhưng đơn vị nào không thoái thì sẽ cho giải thể hoặc hợp nhất.

Trước đó, theo đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/6/2014, VNPT phải thoái vốn tại 63 doanh nghiệp mà tập đoàn đang nắm vốn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn.

Theo báo cáo của VNPT tại Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận tập đoàn này đạt 93% kế hoạch, riêng các công ty con có kết quả kinh doanh khá hơn khi lợi nhuận đạt 141% kế hoạch.

Xét về tốc độ tăng trưởng thì mức lợi nhuận này cao hơn 14% so với cùng kì, trong đó khối hạch toán phụ thuộc tăng trưởng lợi nhuận khoảng 26%.

Theo Vneconomy.



Bình luận

  • TTCN (0)