Lễ công bố phát hành Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2014 vừa được Bộ TT&TT tổ chức ngày 27/10/2014 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết.

Về tổng quan hiện trạng CNTT-TT Việt Nam năm 2013, theo Sách Trắng 2014 vừa được Bộ TT&TT chính thức công bố phát hành, trong báo cáo đánh giá về xã hội thông tin của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), chỉ số phát triển CNTT-TT của Việt Nam tụt 2 bậc, từ 86/155 năm 2012 xuống 88/157 năm 2013, vẫn xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 14/28 nước châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam tiếp tục được ITU đánh giá cao về ứng dụng CNTT với thứ hạng 83/155 năm 2013.

Còn theo xếp hạng được công bố trong Báo cáo CNTT toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thứ hạng chỉ số sẵn sàng kết nối NRI của Việt Nam năm 2013 đạt 84/148 nước, giữ nguyên so với 2012. Trong đánh giá này, mức độ sẵn sàng trong Chính phủ Việt Nam được xếp hạng 58/148 và đặc biệt giá cước dịch vụ viễn thông, Internet của Việt Nam gần như thấp nhất trên thế giới, xếp hạng 8/148.

Với lĩnh vực công nghiệp CNTT, Việt Nam vẫn nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Gartner năm 2014. Hà Nội và TP.HCM tiếp tục có tên trong Top 100 thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM xếp thứ 17 và Hà Nội xếp thứ 22.

Đáng chú ý, về xếp hạng Chính phủ Điện tử, Việt Nam xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 99/193 nước được xếp hạng. Trong đó yếu tố nhân lực của Việt Nam được đánh giá cao, với xếp hạng về nguồn nhân lực tiếp tục giữ vị trí 101/155 quốc gia và chủ yếu được đánh giá cao về chất lượng đào tạo các môn khoa học cơ bản như Toán.

Về xếp hạng phát triển Internet, Việt Nam nằm trong Top 10 các nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, xếp thứ 3 Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 trên thế giới về số lượng người dùng Internet.

Cũng theo Sách Trắng 2014, đối với hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, tính đến cuối năm 2013, tỉ lệ máy vi tính trên tổng số cán bộ công chức tại các cơ quan cấp Bộ đạt hơn 86,7% và tại các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 89,7%; tỉ lệ máy vi tính có kết nối Internet của các cơ quan cấp Bộ đạt 93,3% và đạt 97,2% với các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% các Bộ ngành, tỉnh thành đã có trang/ cổng thông tin điện tử; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ và đơn vị chuyên trách về CNTT.

Ảnh
Dịch vụ công trực tuyến mức 4 cho phép người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch, sử dụng dịch vụ qua mạng với hầu hết các công đoạn. Ảnh: Internet.

Năm 2013, dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng cả về số lượng cũng như các địa phương triển khai cung cấp dịch vụ công, với số dịch vụ công mức 1 và 2 chiếm đa số. Số liệu thống kê trong Sách Trắng 2014 cho thấy, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 104.306 dịch vụ, tăng 640 dịch vụ so với năm 2012. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2 đạt 101.829 dịch vụ, giảm 166 dịch vụ; dịch vụ vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 2.366 dịch vụ, tăng 704 dịch vụ; và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 111 dịch vụ, tăng 102 dịch vụ so với năm 2012.

Trong số 111 dịch vụ công trực tuyến mức 4, số dịch vụ công trực tuyến mức 4 tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 55 dịch vụ và 56 dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong 4 mức độ của dịch vụ công trực tuyến, mức 4 là mức cao nhất, với hầu hết các quy trình, thủ tục được thực hiện qua môi trường mạng, cụ thể: gửi trực tuyến hồ sơ, thực hiện các giao dịch trong quá trình thụ lí hồ sơ và cung cấp dịch vụ qua mạng, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường Bưu điện.

Là tài liệu thường niên được Bộ TT&TT phát hành từ năm 2009, Sách Trắng nhằm cung cấp các thông tin, số liệu chính thức về ngành CNTT-TT Việt Nam. Sách Trắng 2014 gồm 175 trang in song ngữ Việt-Anh, với 14 phần được kết cấu, chia theo các lĩnh vực quản lí của Bộ TT&TT. Một điểm mới của Sách Trắng 2014 là năm nay Ban Biên tập đã bổ sung, cập nhật thêm một số nội dung thông tin hữu ích như: Cơ cấu xuất nhập khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử; Các kênh phát thanh-truyền hình, trang thông tin điện tử, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội; Nghiên cứu-phát triển ngành CNTT-TT.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)