Ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì lễ công bố phát hành Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2014.

Theo tài liệu này, hạ tầng mạng viễn thông và Internet vẫn phát triển bền vững với tổng doanh thu viễn thông đạt 7,4 tỉ USD trong năm 2013. Tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt trên 640.000 Mbit/s, tăng tới gần 83% so với năm 2012. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95%.

Đại diện Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì soạn thảo Sách Trắng CNTT-TT năm 2014 cho hay, trong năm 2013, lĩnh vực viễn thông - Internet của Việt Nam đã có nhiều thay đổi do Bộ TT&TT đã ban hành các chính sách quản lí thuê bao di động trả trước và sự bùng nổ của các ứng dụng OTT trên nền Internet di động.

Cụ thể, theo thống kê, số lượng thuê bao di động năm 2013 chỉ đạt 123,7 triệu thuê bao, giảm gần 8 triệu thuê bao so với năm 2012, tương ứng với khoảng 6%. Trong đó, thuê bao di động 3G đạt 19,7 triệu thuê bao, tăng 4 triệu thuê bao, tương ứng với 25,4% so với năm 2012. Thuê bao điện thoại cố định tiếp tục giảm, đạt trên 6,7 triệu thuê bao.

Tuy nhiên, tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt trên 22,4 triệu thuê bao, tăng 11,2% so với năm 2012, đạt tỉ lệ 24,93 thuê bao/ 100 dân. Và mặc dù doanh thu các dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, nhắn tin bị suy giảm nhưng doanh thu dịch vụ Internet vẫn đạt mức kỉ lục, đạt 965 triệu USD, tăng gấp đôi với năm 2012.

Ảnh
Trong năm 2013, Viettel dẫn đầu thị trường viễn thông di động Việt Nam, chiếm 43,48% thị phần. (Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Đáng chú ý, theo số liệu công bố tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2014, trong năm 2013, thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động (cả 2G, 3G) có sự góp mặt của 5 doanh nghiệp gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gmobile và Vietnamobile. Trong đó, Viettel là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường di động, chiếm gần 43,5% thị phần. Thị phần dịch vụ viễn thông di động của MobiFone và VinaPhone năm 2013 lần lượt đạt trên 31,7% và hơn 17,4%.

Trong đó, nếu xét riêng về thị phần (thuê bao) dịch vụ 2G, Viettel vẫn dẫn đầu, chiếm hơn 43,8%. Tương tự, đối với thị trường cung cấp dịch vụ di động 3G, số thuê bao di động 3G mạng Viettel chiếm trên 41,6% tổng số thuê bao di động 3G, trong khi thị phần dịch vụ 3G của MobiFone là hơn 33,5% và VinaPhone chiếm 22,5% thị phần.

Ảnh
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G và 3G của Việt Nam năm 2013.
Ảnh
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G của Việt Nam trong năm 2013.
Ảnh
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G của Việt Nam năm 2013.

Về thị phần của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng (cả cố định và di động), trong số 8 doanh nghiệp đang triển khai kinh doanh dịch vụ này, năm 2013, thị phần của VNPT lớn nhất, chiếm tới trên 51,2%; tiếp đó là Viettel với số thuê bao chiếm gần 39%.

Ảnh
Thị phần (thuê bao) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng (cố định và di động) Việt Nam năm 2013.
Ảnh
Thị phần (thuê bao) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định Việt Nam năm 2013.
Ảnh
Thị phần (thuê bao) dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động 3G của Việt Nam năm 2013.

Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam là tài liệu thường niên của Bộ TT&TT từ năm 2009 nhằm cung cấp các thông tin, số liệu chính thức về ngành CNTT-TT. Đây là năm thứ sáu Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT (trước đây là Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT) và Bộ TT&TT phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trên cả nước để xây dựng và xuất bản ấn phẩm này.

Sách Trắng 2014 cung cấp thông tin, số liệu thuộc các lĩnh vực ngành CNTT-TT như Sách Trắng các năm trước, đồng thời có bổ sung thêm một số lĩnh vực mới, cụ thể gồm: Tổng quan về hiện trạng CNTT Việt Nam năm 2013; Hệ thống cơ quan, tổ chức chỉ đạo, quản lí về CNTT-TT; Ứng dụng CNTT; Công nghiệp CNTT; An toàn thông tin; Viễn thông, Internet; Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử; Bưu chính; Nghiên cứu và Đào tạo ngành CNTT-TT; Các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT-TT; Hợp tác quốc tế; Các sự kiện CNTT-TT tiêu biểu hàng năm tại Việt Nam; Các cơ quan, tổ chức về CNTT-TT; Một số tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu về CNTT.

Sách Trắng 2014 được biên soạn theo kết cấu mới với từng lĩnh vực quản lí nhà nước của ngành CNTT-TT song vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế để thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng. Ngoài ra, Sách trắng 2014 bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích như: cơ cấu xuất nhập khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử, các kênh phát thanh - truyền hình, trang thông tin điện tử, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội, nghiên cứu - phát triển ngành CNTT-TT.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)