Robot của đội FU-Agile đến từ Đại học FPT trong phần thi Nghệ Thuật.

Là lần thứ hai được FPT tổ chức, cuộc thi viết ứng dụng di động tương tác thông minh điều khiển robot - SMAC Challenge 2014 nhằm giúp các sinh viên ngành CNTT-VT tiếp cận và học hỏi những xu hướng công nghệ mới. Được khởi động tháng 6/2014, SMAC Challenge 2014 có sự tham dự của 25 đội tuyển đến từ 9 trường Đại học, Học viện trên địa bàn Hà Nội.

Hôm nay (2/11), 4 nhóm sinh viên xuất sắc nhất cuộc thi SMAC Challenge 2014 gồm FU-Agile (Đại học FPT), Trying_PTIT (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), UET-Invincible (Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), SMAC-MTA (Học viện Kĩ thuật Quân sự) đã đua tài trong vòng chung kết.

Ảnh
Robot của đội SMAC-MTA gồm các sinh viên Học viện Kĩ thuật Quân sự thể hiện trong phần thi Trí tuệ.

Tại vòng thi chung kết, 4 đội tuyển tham gia 3 phần thi Nghệ thuật, Trí tuệ và Sức mạnh. Trong đó, ở phần thi Nghệ thuật, các đội tuyển phải lập trình cho robot nhảy múa trên nền nhạc.

Ở phần thi Trí tuệ, các đội lập trình cho robot nghe hiểu và trả lời bộ câu hỏi ngẫu nhiên từ Ban tổ chức (BTC) và cả những câu hỏi trực tiếp tức các giám khảo. Còn với phần thi Sức mạnh, các đội sẽ thi đấu đối kháng với nội dung tìm đường trong sân đấu và hoàn thành nhiệm vụ của nhân viên phục vụ bàn trong quán ăn mô phỏng.

Ảnh
Là phần thi đối kháng trực tiếp giữa các đội thi, phần thi Sức mạnh đã diễn ra hết gay cấn, quyết liệt.

Kết quả chung cuộc, giải Nhất trị giá 15 triệu đồng đã được trao cho đội FU-Agile đến từ Đại học FPT. Các giải Nhì, Ba và Khuyến khích với phần thưởng có giá trị tương ứng 10 triệu đồng, 5 triệu đồng và 2 triệu đồng, đã lần lượt thuộc về các đội: UET-Invincible của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trying_PTIT của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và SMAC-MTA đến từ Học viện Kĩ thuật Quân sự.

Bên cạnh đó, BTC còn trao 3 giải phụ, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng cho 3 đội có điểm số cao nhất các phần thi Nghệ Thuật, Trí Tuệ và Sức Mạnh. FU-Agile là đội tuyển “ẵm” cả 2/3 giải phụ khi xuất sắc dẫn đầu cả 2 phần thi Nghệ thuật và Sức mạnh. Giải phụ dành cho đội có điểm số cao nhất phần thi Trí tuệ thuộc về đội UET-Invincible gồm các sinh viên của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài phần thưởng của BTC, 4 đội tuyển góp mặt tại vòng chung kết còn có cơ hội đưa sản phẩm của mình vào ứng dụng thực tế. Ngay sau vòng chung kết SMAC Challenge 2014, BTC sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng và hiệu quả thực tế của từng ứng dụng. Nếu sản phẩm đạt chất lượng sẽ được đưa lên kho ứng dụng tại địa chỉ: http://www.ziizapps.com để phục vụ cộng đồng.

Đánh giá về cuộc thi SMAC Challenge 2014, ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, so với cuộc thi Mobile Robot 2013 (tiền thân của SMAC Challenge), các bài thi năm nay có tính thực tiễn cao hơn và độ hoàn thiện cũng tốt hơn.

“Thay vì đưa quá nhiều tính năng vào một sản phẩm, các bạn sinh viên đã biết lựa chọn những yếu tố phù hợp với nhu cầu của thực tế. Đặc biệt, công nghệ tương tác với giọng nói được các bạn phát huy rất tốt trong cuộc thi năm nay”, ông Phương chia sẻ.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)