Kỉ nguyên PC đã qua và dường như không bao giờ trở lại.

Sau chừng 3 thập kỉ phát triển vũ bão, giờ đây PC đã thực sự mất vai trò trung tâm trong kỉ nguyên di động. Tình hình kinh doanh ế ẩm, lợi nhuận ngày càng giảm tạo ra áp lực lớn buộc các nhà sản xuất PC phải xem lại chiến lược kinh doanh của mình, và thực tế thời gian gần đây ngành công nghiệp sản xuất PC đã có nhiều thay đổi.

PC đi vào thời khó

Theo IDC, doanh số bán PC trên toàn thế giới trong quý 3 vừa qua dù giảm thấp hơn mức dự đoán trước đây, nhưng thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng âm (-1,7%). Vậy là suốt hai năm qua, thị trường PC chỉ thấy giảm sút – ngược hoàn toàn với thời kì kéo dài 11 năm trước đó, doanh số bán PC liên tục tăng từ năm này qua năm khác. Và trước nữa, hai thập niên cuối của thế kỉ 20 đã chứng kiến ngành công nghiệp PC bùng nổ mang máy tính cá nhân đến với mọi người, để máy tính không còn là đặc quyền của các trung tâm xử lí số liệu của các tổ chức, doanh nghiệp lớn.

Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng nhiều nhà quan sát có chung nhận định thời của PC đã hết, và người ta bắt đầu quen dùng cụm từ “hậu PC” từ hai năm trở lại đây. Dĩ nhiên quan điểm cho rằng PC đã “chết” là quá cực đoan, nhưng dường như các nhà cung cấp truyền thống ngày càng miễn cưỡng sản xuất PC.

Hai nguyên nhân chính thường được các nhà phân tích nêu ra khi nói về tình trạng suy giảm của thị trường PC là nền kinh tế toàn cầu khó khăn ảnh hưởng tới sức mua, và sự cạnh tranh quyết liệt từ những thiết bị di động mới phát triển như smartphone và máy tính bảng.

Cho dù thế nào đi nữa thì có một thực tế là trong khi người dùng vẫn muốn mua PC tốt hơn với giá rẻ hơn, thì doanh số bán smartphone tăng mạnh qua các năm và nhu cầu về máy tính bảng dù không còn cao như thời kì đầu vẫn chưa dừng lại. Đó là những tín hiệu rõ nét cho thấy nhu cầu sử dụng của người dùng đã thay đổi, và hầu như không còn cơ hội để trở lại thời hoàng kim của kỉ nguyên PC.

Hai người khổng lồ, một “cứng” một “mềm”, Intel và Microsoft, từng là những tác nhân chính thúc đẩy ngành công nghiệp PC cất cánh, nay có vẻ như không còn đủ lực để đổi mới cho ngành.

Intel sau thời kì khởi xướng và ra sức quảng bá nhóm máy tính xách tay siêu di động ultrabook từ giữa năm 2011 với kết quả không khả quan, giờ tiếp tục hậu thuẫn cho thiết bị lai 2-trong-1, một máy tính bảng có năng lực của máy tính xách tay. Microsoft phát triển dòng máy tính bảng Surface cũng là theo hướng lai này. Tuy nhiên, theo dự báo của IDC, thị phần thiết bị lai 2-trong-1 tăng trưởng rất chậm. IDC dự báo doanh số bán thiết bị lai 2-trong-1 đạt khoảng 10 triệu máy trong năm nay, tới năm 2016 mới vượt qua mốc 20 triệu máy, và tăng lên khoảng 31 triệu máy vào năm 2018, khi đó cũng chỉ mới đạt khoảng 8% thị phần nhóm hàng máy tính bảng.

Nhưng điều thất vọng lớn nhất lại đến từ Microsoft. Windows 8 đã được xem là một thất bại. Hai năm trước lúc tung ra Windows 8, Microsoft kì vọng hệ điều hành mới, lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm này sẽ vực dậy thị trường PC. Nhưng những cách tân của Windows 8 về giao diện cảm ứng Modern cũng như điều khiển chạm màn hình không được người dùng PC truyền thống hưởng ứng.

Giờ thì Microsoft đã lại giới thiệu phiên bản hệ điều hành thế hệ kế tiếp, Windows 10, với những lời quảng bá là thiết kế hoàn toàn mới nhằm tới mục tiêu sử dụng được trên mọi thiết bị từ di động đến PC. Dự kiến Windows 10 sẽ có bản thương mại vào khoảng giữa năm 2015, và PC lại phải chờ đợi nền tảng mới, trong khi chuyến xe di động vẫn đang lao nhanh về phía trước.

Thời của PC đã qua. Ngay như giám đốc điều phối (COO) Kevin Turner của Microsoft cũng phải thừa nhận, Windows tuy vẫn chiếm hơn 90% tổng số PC mới trên toàn thế giới, nhưng mọi thứ đã thay đổi.

Ảnh
Biểu đồ thị phần của 5 nhà cung cấp PC lớn nhất thế giới. Ảnh: IDC quý 3/2014.

Ai còn muốn bán PC?

Cuối cùng thì nhà cung cấp PC lớn thứ 2 thế giới HP cũng đã quyết định tách mảng PC ra riêng, điều mà vào năm 2011, CEO Leo Apotheker ở thời điểm đó của HP đã đề xuất nhưng không được các nhà tài phiệt Phố Wall chấp thuận. Các cổ đông lớn của HP khi đó cho rằng công ty chỉ có ưu thế trên thị trường khi cung cấp giải pháp tổng thể, bao gồm cả phần cứng PC, phần mềm và dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp. Ông Leo Apotheker nhanh chóng bị thay thế, và CEO mới, bà Meg Whitman, ngay lập tức tuyên bố quyết giữ mảng PC đến cùng để trấn an các cổ đông.

Nhưng chỉ sau 3 năm, CEO Meg Whitman đành phất cờ trắng, công bố kế hoạch tách HP thành hai: một công ty (HP Enterprise) chuyên về cung cấp dịch vụ, phần mềm doanh nghiệp và máy chủ, công ty còn lại (HP Inc.) kinh doanh PC và máy in.

Thị trường PC liên tục tuột dốc những năm qua tác động mạnh mẽ tới các nhà cung cấp lớn. Dell từng là nhà cung cấp PC lớn nhất thế giới những năm đầu thế kỉ này, hiện xếp thứ ba sau HP, năm vừa qua đã phải chuyển đổi mô hình thành công ty tư nhân để dễ bề “xoay xở” nhằm vượt qua cơn khó. Trước đây, thị trường PC tăng trưởng tốt, nhiều đại gia điện tử nhảy vào, thì nay đang tìm cách ngãng ra. Samsung đã rút chân khỏi thị trường PC châu Âu; Sony bán mảng laptop với thương hiệu Vaio nổi tiếng; Toshiba tái cấu trúc tập trung chủ yếu cho mảng doanh nghiệp, không còn theo đuổi nhiều dòng laptop như trước.

Lịch sử ngành công nghiệp PC đã chứng kiến nhiều tên tuổi lớn ra đi. DEC (Digital Equipment Corp.) danh tiếng một thời bị Compaq Computer thâu tóm, đến lượt hãng này lại bị HP sáp nhập để vượt qua IBM và Dell. Ngay IBM cũng rời bỏ thị trường mà mình tạo ra, khi bán lại mảng kinh doanh PC từ năm 2005, và mới đây sang tên luôn cả mảng máy chủ cho Lenovo.

Với HP, nhiều nhà phân tích đưa ra nhận định PC của hãng sẽ mất sức cạnh tranh sau chia tách. Thế mạnh của HP có được những năm qua là kết quả của những vụ sáp nhập tốn kém. Nhưng giờ đây HP đang tụt lại phía sau trong bối cảnh thị trường PC ngày càng ế ẩm, do người tiêu dùng chuyển sang ưu tiên cho mua sắm smartphone và máy tính bảng hơn. Năm ngoái HP bị mất vị trí nhà cung cấp PC số 1 vào tay Lenovo, và tới đây HP Inc. chắc sẽ còn khó khăn hơn nữa, vì khó cạnh tranh với các đối thủ châu Á linh hoạt hơn.

Lenovo hiện là nhà cung cấp PC lớn nhất thế giới, chiếm 20% thị phần trong quý 3 vừa qua. Trong top 5 nhà cung cấp PC hàng đầu thế giới, theo Gartner, còn có hai nhà sản xuất Đài Loan Acer và Asus (theo số liệu của IDC thì Apple là nhà cung cấp lớn thứ 5 chứ không phải Asus). Trung Quốc và Đài Loan đang trở thành quyền lực mới trong ngành công nghiệp sản xuất PC khi các công ty Mỹ, Nhật, Hàn Quốc dần “chán” bán PC.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)