Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban Quản lí Nhà nước Tháng 10/2014 sáng 3/11, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số cho biết hiện tại, hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (TDPS) khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ đã hình thành xong. Đây là một bước tiến tích cực vì cho tới tận tháng trước, giữa hai đài Truyền hình TP.HCM và Truyền hình Vĩnh Long vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung trong việc thành lập Doanh nghiệp TDPS khu vực Nam Bộ. Ngược lại, doanh nghiệp TDPS khu vực Bắc Bộ - một liên doanh giữa Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Hải Phòng và Hanel đã thành lập xong từ giữa năm.

Thậm chí đã có những thời điểm Cục Tần số đề xuất Bộ TT&TT xem xét các phương án như đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc giao doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc (như VTV, VTC, AVG ) kiêm luôn kinh doanh cấp độ khu vực vì lo ngại việc chậm trễ này sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án số hóa truyền hình của cả nước. Tuy nhiên, có vẻ như đến phút chót thì hai đài TP.HCM và Vĩnh Long cũng đã thống nhất được với nhau về cơ chế và mô hình "bắt tay".

Mặc dù vậy, ông Hoan cũng chia sẻ rằng hai doanh nghiệp Bắc Bộ và Nam Bộ đang đi theo những "công thức rất khác nhau". Doanh nghiệp TDPS khu vực Bắc Bộ thành lập rất nhanh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy "động tĩnh gì" để triển khai giấy phép được cấp. Ngược lại, Doanh nghiệp TDPS khu vực Nam Bộ thì tỏ ra khá nhanh nhạy khi ngay trong thời gian làm hồ sơ xin cấp phép thành lập, đơn vị này đã xin cấp tần số và làm các thủ tục cần thiết để có thể đi vào hoạt động ngay sau khi thành lập.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đề nghị Cục Tần số giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp TDPS mới thành lập để đảm bảo các đơn vị này sau khi hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao nhất, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho việc triển khai đề án Số hóa truyền hình được thuận lợi.

Tắt sóng analog ở các thành phố lớn

Cũng theo ông Hoan, một hội nghị quan trọng của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12 để thông qua phương án tắt sóng analog tại các thành phố lớn. Mục tiêu của Hội nghị này là phải chốt được thời điểm tắt sóng để kịp công bố rộng rãi với dư luận trước khi chính thức ngắt sóng tối thiểu là vài tháng. Nếu không có gì thay đổi, Đà Nẵng dự kiến sẽ tắt analog ngay từ giữa năm 2015.

Trước đó, trong một cuộc trao đổi riêng với VietNamNet, ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số từng nhấn mạnh rằng, việc đề án số hóa được chia làm nhiều giai đoạn triển khai là để "chống sốc" và việc thí điểm tại Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam sẽ giúp các địa phương khác rút được nhiều kinh nghiệm khi triển khai thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh đa số địa phương ủng hộ lộ trình tắt sóng analog, thậm chí còn đề nghị được số hóa sớm hơn kế hoạch thì cũng có một số tỉnh, thành phố muốn trì hoãn, lùi thời điểm tắt sóng analog vì nhiều lí do.

"Trên thực tế, AVG, VTV đang rất tích cực triển khai tín hiệu số nên tại nhiều thành phố lớn hiện nay, nếu có tắt analog ngay lúc này thì cũng không ảnh hưởng gì", ông Tuấn cho biết.

Theo kế hoạch, AVG, VTV và VTC sẽ phải cập nhật vùng phủ sóng, kênh chương trình trên website riêng của Số hóa truyền hình để người dân nắm được đề án đang "đi đến đâu", cũng như họ sẽ được hưởng những nội dung gì sau khi chuyển đổi sang số hóa.

Theo VietNamNet.



Bình luận

  • TTCN (0)