Cái tên Jover Chew cùng cửa hàng Mobile Air của anh ta trở thành điểm đen số một của Hiệp hội người tiêu dùng Singapore.

"Anh trân trọng những đồng tiền mồ hôi của mình kiếm ra nên đau xót cầu xin cửa hàng lừa đảo, tuy nhiên anh cũng khảng khái không lợi dụng lòng cảm thông của người khác mà trục lợi cho mình. 10 nghìn đôla quá to đối với anh, nhưng danh dự của anh, của người Việt thì không dùng tiền mua được", độc giả Hữu Bằng hài lòng về cách hàng xử của anh Thoại bằng nhận xét trong bài "Du khách Việt bị lừa ở Singapore đã nhận trợ giúp 550 USD".

Tuy nhiên, không phải người Việt Nam nào cũng đồng tình với cách người Singapore quyên góp cho anh Thoại. Viết trên Facebook cá nhân, bạn Thảo Lương cho biết cô không thích ý tưởng này, bởi anh Thoại xứng đáng mua những món đồ mình thích bởi công sức anh làm ra. Điều người Singapore nên làm là trừng phạt kẻ lừa đảo, trả lại số tiền đã lừa để không tái diễn lần nào nữa.

Với cách nhìn khác, bạn Ngọc Ân lại đặt câu hỏi rằng, người bị lừa không hề nghèo thì tại sao phải quyên góp cho anh trong khi hàng triệu người không đủ tiền để mua thức ăn. "Đây là quyền tự do của anh ấy, miễn sao anh không làm gì sai trái", độc giả M.Ngọc phản bác.

Ảnh
Cửa hàng Mobile Air tại Sim Lim trước ngày đóng cửa.

Tại Singapore, sau hai vụ liên tiếp lừa đảo du khách, chủ cửa hàng Mobile Air, Jover Chew trở thành cái tên bị săn lùng số một của dân mạng nước này. “Có cảm giác như bị tát hai cú đau điếng”, độc giả Homingming bình luận trên trang web Stomp.

Nhiều người chỉ trích hành động lừa đảo của Jover Chew làm hoen ố hình ảnh của một điểm đến mua sắm nổi tiếng như Singapore, đồng thời cũng ca ngợi hành động quyên góp cho anh Phạm Văn Thoại đã kịp thời “cứu vãn” hình ảnh của đất nước.

Độc giả Funnyleh cũng viết: “Mỗi người hãy mua một ổ khóa đến khóa cửa nhà hắn ta hàng ngày đến khi nào tiền sửa khóa lên đến 10,000 USD.”

Bình luận trên The Straits Times, Audi Khalid chúc mừng "Mobile Air đã đưa uy tín của Singapore thấp hơn cả Trung Quốc”. Còn nick name runtime88 hi vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ngăn chặn để không còn người nào phải trở thành nạn nhân ở Sim Lim nữa, đồng thời cho tên các cửa hàng đó vào danh sách đen để cảnh báo người tiêu dùng.

Ảnh
Nhiều người lên tiếng đả kích Jover Chew.

“Bây giờ ở Trung Quốc, quốc gia có hàng triệu du khách ghé thăm Singapore hàng năm, đã lên tiếng cảnh báo công dân nước họ về điểm đen như Sim Lim Square, đây hẳn là lời cảnh tỉnh để chính quyền đến lúc hành động”, Tay Soon Nam viết trên The Straits Times.

Bên cạnh những ý kiến trái chiều, nhiều độc giả cũng kể lại câu chuyện ở mình ở Sim Lim Square. Rith Noreak bình luận trên The Straits Times: "Tôi đến từ Campuchia, bị lừa mất 250 đôla Singapore ở tầng trệt của Sim Lim giống hệt trường hợp của vị khách Việt. Nhưng điều này vẫn tiếp diễn”.

Độc giải Viet H Trinh cũng chia sẻ câu chuyện của chính mình khi biết tin anh Phạm Văn Thoại bị lừa: "Vào Simlim mua đồ cần phải có kinh nghiệm. Trước tiên, nếu trả tiền mặt sẽ có giá rẻ hơn là trả bằng thẻ, thứ 2 phải hỏi luôn giá này có bao gồm thuế GST hay không, nếu bạn muốn hoàn thuế tại sân bay thì phải yêu cầu cửa hàng in hóa đơn thuế. Và nếu mua hàng ở Simlim hoặc Funal thì hoàn toàn có thể mặc cả".

Không chỉ ở Sim Lim Square, độc giả Rosa Young còn chỉ ra những điểm đen nằm ở các khu mua sắm khác mà người dùng chưa có dịp vạch trần. Ở Lucky Plaza Shop, nơi mà một người bạn Indonesia của cô bị lừa mua chiếc iPad cũng theo cách tương tự như Mobile Air đã làm. “Thật xấu hổ”, Rosa Young nói.

Theo Số Hoá.



Bình luận

  • TTCN (0)