Hệ thống tàu điện nhẹ mặt đất (tramway). Ảnh minh họa.

Thông tin từ TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư dự án tàu điện nhẹ trên mặt đất (tramway).

Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng vừa có buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Công ty Peterson International Inc (PI) và Emerging Asean Capital Partners (EACP) về dự án này.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, chủ trương của thành phố là tập trung đầu tư trang bị hệ thống giao thông công cộng. Theo định hướng phát triển, năm 2015 sẽ tập trung phát triển xe buýt thông thường, năm 2016 sẽ đưa xe buýt nhanh (BRT) vào vận hành trên các tuyến chính, đồng thời phát triển các loại hình vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm (Metro), xe điện bánh sắt (Tramway).

Do đó, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Giao thông vận tải, Sở Ngoại vụ phối hợp với Công ty Peterson International Inc và Emerging Asean Capital Partners triển khai thực hiện nghiên cứu tính khả thi của dự án trong 6 tháng, đồng thời kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT để sớm đưa hệ thống tramway hoạt động tại Đà Nẵng.

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, tramway là loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường, phù hợp với những thành phố du lịch, có kiến trúc đẹp, diện tích chiếm đất ít, thời gian thi công nhanh, quá trình vận hành và khai thác đơn giản.

Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông tương đối phức tạp tại những khu vực giao cắt với đường bộ, điều kiện đảm bảo an toàn yêu cầu khắt khe vì sử dụng cần tiếp điện. Dự kiến chi phí đầu tư khoảng 10 - 20 triệu USD/km, gấp 5 lần chi phí đầu tư xe buýt nhanh (BRT), ông Trung cho biết thêm.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, về vận tải hành khách công cộng, sẽ quy hoạch 1 tuyến tàu điện ngầm kết nối các khu đô thị phía Bắc, trung tâm và phía Nam; 3 tuyến xe điện bánh sắt và 4 tuyến xe buýt nhanh.

Trong 3 tuyến tramway, sẽ có tuyến từ khu tái định cư Nam cầu Nam Ô đến khu đô thị Đa Phước, tuyến Furama - Hội An, tuyến dọc hai bên bờ sông Hàn.

Tổng nhu cầu vốn dự kiến đầu tư các công trình giao thông thành phố đến năm 2020 là 65.677 tỉ đồng, đến năm 2030 là 155.477 tỉ đồng.

Nguồn vốn thực hiện quy hoạch trên dự kiến được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP...

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (1)
Bút Máy  14818
cũng khá hay nhưng cũng phải tính tới nhiều mặt của vấn đề đã trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Mong rằng tư duy của các nhà lãnh đạo Đà Nẵng sẽ khác Hà Nội :)