Microsoft kì vọng laptop Windows giá rẻ sẽ "đè bẹp" Chromebook.

Chưa từng có đợt giảm giá nào trong lịch sử kinh doanh PC ở Mỹ như trong ba tuần cuối tháng 10 vừa qua.

Các nhà sản xuất PC Windows đã giảm giá thấp chưa từng thấy gây thiệt hại cho giới kinh doanh hàng tiêu dùng, cũng như đeo dọa Microsoft trong những nỗ lực thúc đẩy Windows 10 như là cứu cánh cho thị trường PC ngày càng ế ẩm, một nhà phân tích ngành bán lẻ cho biết trong tuần trước.

“Giá cả tác động tới thị trường PC rất lớn, phần lớn mang tính tích cực, nhưng đôi khi thì ngược lại”, Stephen Baker của NPD Group cho biết trong một bài viết trên blog của công ty vào thứ Sáu, ngày 7/11.

Suốt 3 tuần liền, từ ngày 5/10 – 25/10, giá bán bình quân (ASP) của PC Windows duy trì ở mức 430 USD, giảm 10% so với năm trước, theo dữ liệu của NPD. Trong tuần bắt đầu từ ngày 5/10, ASP của laptop chạy Windows thậm chí còn thấp hơn, bình quân ở mức 415 USD.

Baker cho biết, ASP của PC Windows cùng thời điểm này vào năm ngoái khoảng 480 USD, và sự giảm giá lớn trong năm nay là điều bất thường với ngành hàng có giá ổn định trong nhiều năm qua. Ông thậm chí còn ví von thị trường PC cứ như vừa trải qua ngày thứ Sáu đen “Black Friday” – “ngày vàng mua sắm” của người dân Mỹ vì có rất nhiều mặt hàng giảm giá “khủng”.

Mặc dù giá giảm là tin tốt cho người tiêu dùng mua sắm PC, nhưng theo nhà phân tích Baker, điều này lại tác động xấu tới doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp “chịu” không nổi sẽ từ bỏ kinh doanh.

Các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Best Buy và Walmart có thể chịu được thời kì giảm giá mạnh kéo dài, cũng như một số nhà sản xuất OEM lớn như Hewlett-Packard. Nhưng giá giảm liên tục sẽ vượt sức chịu đựng của nhiều nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất OEM.

Mức giá 450 USD có thể là ngưỡng vượt sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Nhưng Baker còn cho biết, điều quan trọng hơn của việc giảm giá là thiết kế và sản xuất PC đang thay đổi.

“Thách thức không phải từ ASP năm ngoái là 500 USD và năm sau sẽ là 300 USD, mà là PC giá thấp đang được thiết kế và bán tràn lan trên thị trường. Giá chỉ trong khoảng 199 – 249 USD”.

PC giá rẻ sẽ khiến Microsoft thay đổi chiến lược

Phân khúc giá quá thấp, dưới 250 USD, khiến PC Windows bán trên thị trường không được trang bị màn hình cảm ứng, và như vậy chúng không khai thác được thế mạnh của Windows 8 lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm – chiến lược quan trọng của Microsoft trong kỉ nguyên di động.

“Máy tính xách tay chạy Windows phân khúc trên 300 USD đã bị tụt doanh số, giảm 10% trong ba tuần qua”, Baker cho biết trong bài viết trên blog. “Điều này đã ảnh hưởng đến sự thu hút của màn hình cảm ứng trên thị trường Windows. Laptop nắp gập cơ bản với màn hình cảm ứng chỉ chiếm khoảng 25% thị trường Windows trong vài tuần qua, trái ngược với thời điểm đầu năm nay tỉ trọng này đã vượt trên 30%”.

PC giá rẻ tràn ngập thị trường cũng đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của nhóm thiết bị lai 2-trong-1 chạy Windows. Theo số liệu thống kê doanh số bán lẻ trên thị trường Mỹ của NPD, nhóm máy lai 2-trong-1 vẫn còn trì trệ ở mức 11% thị phần doanh số.

Tuy nhiên, theo lập luận của Baker thì việc giảm giá PC Windows không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà còn cho Apple. Mặc dù Apple đã có đợt giảm giá hồi năm ngoái, máy Mac vẫn thuộc phân khúc cao cấp với giá cao. Và người dùng chú trọng chất lượng và độ bền của máy sẽ dần chuyển sang sở hữu các dòng MacBook của Apple, thay cho PC Windows.

Baker còn nhận định phân khúc PC Windows giá cao sẽ gặp khó khi các sản phẩm cấp thấp trở nên “đủ tốt”.

Giá giảm đã thúc đẩy doanh số bán hàng là điều dễ hiểu, và một khả năng lớn nữa có thể bởi Microsoft ra mắt “Windows 8.1 with Bing”, một hệ điều hành trợ giá cho các nhà sản xuất OEM để họ có thể bán laptop ở mức giá cạnh tranh với Chromebook. Chiến lược này đã có những thành công nhất định – thị phần của Chromebook trên thị trường máy tính xách tay cấp thấp của Mỹ hiện tụt xuống dưới 20%, so với mức giao động khoảng từ 20% - 30% cùng thời gian này năm ngoái.

Tuy nhiên, Baker cho rằng động thái “trợ giá” của Microsoft như vậy có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự ra mắt của Windows 10 trong năm tới. Theo ông thì các doanh nghiệp đang lao vào cuộc chiến giảm giá sẽ khó có thể hỗ trợ Windows 10.

Baker tin rằng giảm giá bằng cách tăng cao mức chiết khấu bán hàng sẽ ảnh hưởng tới tính năng, hiệu suất và chất lượng sản phẩm trong sản xuất. Và như vậy, các nhà sản xuất máy tính OEM sẽ khó thuyết phục người tiêu dùng rằng PC ưu thế hơn máy tính bảng hoặc thậm chí là smartphone trong sử dụng.

Nhưng PC giá rẻ tràn ngập thị trường còn có thể gây ra những vấn đề khác.

Windows 8 đã được Microsoft phát hành hơn 2 năm, và giờ đây người dùng đã đủ thời gian để thấy màn hình cảm ứng không quan trọng với PC.

Một cách giảm giá bán PC là không cài phần mềm khi xuất xưởng (gọi là PC “trắng”), và như vậy sẽ gây thiệt hại cho hệ sinh thái ứng dụng Windows, bao gồm cả nỗ lực của Microsoft đang tìm cách thay mô hình kinh doanh, chuyển doanh thu từ hệ điều hành Windows sang những hình thức khác, chẳng hạn thuê bao Office 365. Người mua phần cứng giá rẻ thường trả ít cho phần mềm hoặc dịch vụ trong quá trình sử dụng thiết bị, điều này có thể thấy rõ trong thế giới Android.

Tương tự như vậy, đông đảo PC giá rẻ chạy miễn phí hoặc gần như miễn phí “Windows 8.1 with Bing” sẽ khiến Microsoft khó bán giấy phép Windows cho các nhà sản xuất máy tính OEM. Thêm nữa còn ảnh hưởng tới kế hoạch tính phí nâng cấp lên Windows 10 đối với người dùng Windows.

Dĩ nhiên không phải toàn bộ thị trường PC Windows đang chạy đua theo giá rẻ. Vẫn còn đó mảng doanh nghiệp với giá bán bình quân PC cao hơn nhiều.

Nhưng trên thị trường tiêu dùng, việc giá PC giảm mạnh buộc Microsoft phải xem xét lại toàn bộ chiến lược kinh doanh. Chỉ mới tuần trước, Microsoft công bố cung cấp miễn phí bộ ứng dụng văn phòng Office cho người dùng iPad, iPhone, và sang năm sẽ đến lượt máy tính bảng Android.

Ngành công nghiệp PC và Microsoft rõ ràng đang đứng trước những thách thức lớn trước biến động giảm giá máy tính xách tay.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)