Khi đèn tín hiệu thay đổi tại một ngã tư ở Shibuya, một trong những phố đi bộ đông nhất thế giới, hàng trăm người Nhật bước xuống đường trong khi mắt không rời màn hình điện thoại. Dù đang hăng say với "level" mới trong trò Candy Crush hoặc bận tán gẫu với bạn bè qua các ứng dụng nhắn tin, họ vẫn có thể luồn lách và tránh những người đi xe đạp hoặc trượt ván xung quanh, hãng AFP cho biết. Tuy nhiên, tỉ lệ người "nghiện" sử dụng điện thoại gia tăng khiến không chỉ Tokyo mà các thành phố lớn như London, New York và Hong Kong ngày càng trở thành khu vực nhiều rủi ro.
Sự việc không chỉ dừng lại ở những va chạm vô tình và có thể cho qua sau lời xin lỗi. Tetsuya Yamamoto, một quan chức tại Sở Cứu hỏa Tokyo, cho biết trên AFP: "Mê sử dụng điện thoại chiếm đến 41% trong các nguyên nhân của những vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ hoặc đạp xe. Nếu mọi người cứ xuống đường và dán mắt vào điện thoại thì ngày càng nhiều tai nạn xảy ra".
Những tai nạn vì nghiện điện thoại rất đa dạng, từ mức độ nhẹ như người đi đường va vào cột đèn hoặc đạp phải đuôi chó, cho đến nghiêm trọng như một người trung niên mất mạng vì đi vào làn đường ray trong lúc tàu băng qua. Từ năm 2010 đến năm 2013, Sở Cứu hỏa Tokyo, đơn vị điều hành dịch vụ xe cứu thương tại thủ đô Nhật Bản, cho biết 122 người phải nhập viện vì các tai nạn do người đi bộ sử dụng điện thoại di động gây ra.
Hơn một nửa người dân Nhật Bản đang sở hữu điện thoại thông minh và tỉ lệ này sẽ còn tăng nhanh. Nghiên cứu của NTT Docomo, một công ty viễn thông lớn tại Nhật Bản, cho biết tầm nhìn trung bình của một người đi bộ cứ chăm chăm vào điện thoại sẽ giảm 5% so với bình thường.
Công ty đã thực hiện một thử nghiệm mô phỏng trên máy tính để tìm hiểu những sự cố có thể xảy ra nếu tất cả người đi bộ ở phố Shibuya đều cúi gằm mặt vào màn hình, quy mô mẫu là 1.500 người. Kết quả như sau: 446 vụ va chạm, 103 người té ngã, 21 người làm rơi điện thoại, chỉ khoảng 1/3 người đi đến bên kia đường an toàn.
Đáng chú ý, trẻ em, đối tượng chủ yếu đi bộ từ nhà đến trường và ngược lại, cũng bắt đầu sử dụng điện thoại. "Trẻ em sẽ không an toàn nếu sử dụng điện thoại. Điều này rất nguy hiểm, người lớn phải có trách nhiệm ngăn chặn", Hiroshi Suzuki, đại diện NTT Docomo nhận định.
Những giải pháp khắc phục nghiện smartphone trên phố
Để giải quyết tình trạng người đi bộ không rời tay, rời mắt khỏi điện thoại, một số ứng dụng ra đời. Chúng kích hoạt từ bộ phận cảm biến và phát cảnh báo hoặc hiển thị vỉa hè trên màn hình để người sử dụng kịp phản ứng. Ông Suzuki cho rằng tình hình hiện tại chưa nghiêm trọng đến mức người đi bộ cũng cần đeo mũ bảo hiểm. "Nhưng chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ai trong chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân", vị đại diện công ty NTT Docomo nói.
Tại Trung Quốc, một công viên giải trí phía tây nam siêu đô thị Trùng Khánh thậm chí còn phân làn vỉa hè thành hai lối đi, một bên đường "cấm sử dụng điện thoại", còn bên kia "cho phép sử dụng điện thoại nhưng bạn phải tự chịu trách nhiệm với mọi hậu quả".
Ở những tuyến tàu điện ngầm tại Hong Kong, loa phát thanh liên tục thông báo bằng tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại và tiếng Anh rằng hành khách chuẩn bị bước lên thang cuốn, đề phòng trường hợp những người đang mải mê với điện thoại mà không để ý sẽ bị vấp ngã.
Nghiêm ngặt hơn, một hội đồng thành phố ở bang New York thậm chí đề xuất dự luật cấm sử dụng các thiết bị điện tử khi đi trên đường.
Theo Zing.
Bình luận