Công nghệ thông tin ngày càng thu hút được sự quan tâm của người khởi nghiệp trẻ. Ảnh chụp tại HATCH! FAIR 2014.

Công nghệ vẫn có sức hút đáng kể với khởi nghiệp

Một năm trở lại đây, các mô hình ươm mầm và tăng tốc khởi nghiệp đã hoạt động tích cực hơn, trong đó số lượng không nhỏ các khởi nghiệp tiềm năng, đặc biệt khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục, được nhận vốn ban đầu cùng sự cố vấn và hỗ trợ nguồn lực toàn diện.

Thị trường công nghệ, tuy phải đối mặt với không ít thách thức như cùng lúc cạnh tranh với các ông lớn nội địa và sự xâm nhập của những công ty nước ngoài, ngành này vẫn có sức hút đáng kể với khởi nghiệp, đặc biệt là thị trường công nghệ điện thoại di động.

Tại sự kiện khởi nghiệp lớn nhất trong năm HATCH! FAIR 2014 diễn ra ngày 15/11, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tham gia đều tập trung vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ với những sản phẩm tiềm năng đã, đang và sẽ tạo nên một thói quen sử dụng hay tiêu dùng mới, hỗ trợ giải quyết được những bài toán lớn đặt ra từ thị trường, trong đó có các doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Tuy nhiên, ông Csaba Bundik, cố vấn cấp cao của HATCH! PROGRAM, đồng thời là Giám đốc điều hành Hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định về sự thành công của các khởi nghiệp tại môi trường ươm mầm hay tăng tốc, bởi sự thành công được đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về thị trường là khó dự đoán nhất. Sản phẩm dù được đánh giá cao nhưng chưa hoặc chậm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì cũng khó tồn tại, đặc biệt trong thời điểm tính cạnh tranh ngày một tăng".

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục TOPICA, người từng có kinh nghiệm đào tạo và làm việc cùng nhiều doanh nhân khởi nghiệp cho rằng, hiện nay cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng nhiều bởi các công nghệ mới đang thay đổi rất nhanh.

Trước đây có thể khoảng 20 năm mới ra đời một công nghệ mới, sau đó là 10 năm, nhưng hiện nay chỉ 5 năm thậm chí ít hơn. Hơn thế nữa, nền tảng công nghệ di dộng đặc biệt là smartphone, thiết bị đeo, điện toán đám mây... đang tạo ra làn sóng cơ hội cho những người trẻ khởi nghiệp.

"Với sức trẻ và khả năng nắm bắt nhanh các công nghệ mới, người trẻ càng có nhiều cơ hội lập nghiệp trong lĩnh vực này", ông Tuấn nhận định.

Hiện nay, về Internet Việt Nam đang ở top đầu của Đông Nam Á, hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, trong khi về vốn đầu tư mạo hiểm chúng ta cũng đi trước họ khoảng 5 năm, đặc biệt có nhiều quỹ đầu tư đã vào Việt Nam từ rất sớm. Đội ngũ nhân sự của Việt Nam cũng khá mạnh. Tuy nhiên, thuận lợi và khó khăn trong khởi nghiệp nằm ở nhiều yếu tố, và điều quan trọng nhất phải có sản phẩm tốt, chiến lược tốt cùng đội ngũ đã những người làm kiên trì với mục tiêu, ông Tuấn nói thêm.

Khởi nghiệp như thế nào?

Mặc dù khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin đang là lựa chọn của nhiều người mới bước vào kinh doanh, nhưng khởi nghiệp như thế nào vẫn là một bài toán mà không phải ai cũng có thể giải thành công.

Ông Tuấn cho rằng: "Kĩ năng quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải kiên trì và dám làm. Vì vậy, cơ hội đến "cứ phải thử". Muốn phát triển sản phẩm gì thì cũng phải thử để xem nhu cầu thị trường như thế nào từ đó rút ra kinh nghiệm đâu là sản phẩm và chiến lược phù hợp nhất để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu".

Cũng không nên ngại khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường bởi không có trường học nào tốt hơn trường đời. Tuy nhiên, cũng đừng quá mạo hiểm ở những lần đầu tiên, đừng đặt hết "sổ đỏ" hoặc bỏ học ngay lần đầu tiên thử khởi nghiệp. Chỉ khi nào cảm thấy khả năng thành công cao và tâm huyết bỏ vào đó lớn thì hãy nên đặt cược tất cả vào đó, ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

Theo ông Tuấn số vốn để khởi nghiệp trong ngành công nghệ không đòi hỏi quá nhiều, từ vài nghìn hoặc vài trăm nghìn USD, thậm chí không mất đồng nào như Nguyễn Hà Đông nhưng quan trọng nhất là vốn năng lực bản thân của người khởi nghiệp.

"Điểm chung của các doanh nghiệp công nghệ thành công cả trên thế giới và Việt Nam là họ bắt đầu từ một nhóm đối tượng khách hàng nhỏ mà chưa vội đánh vào nhóm khách hàng lớn ngay từ đầu vì nếu như sản phẩm không tốt thì đối tượng khách hàng này sẽ bỏ luôn sản phẩm không dùng nữa", ông Aaron Everhart, Giám đốc kinh doanh Landor Associates tại Việt Nam kiêm cố vấn của HATCH! PROGRAM nhận định.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp trong ngành công nghệ, bạn Ngô Xuân Huy, người sáng lập của ứng dụng Money Lover (một ứng dụng quản lí chi tiêu có khoảng hơn 2 triệu người dùng trên thế giới hiện nay) cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số vốn đầu tư thường không cần nhiều và khả năng quay vòng vốn cũng nhanh nhưng quan trọng là phải đưa ra được các ý tưởng độc đáo để có thể cạnh tranh được với các ý tưởng kinh doanh khác.

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (0)