Doanh nghiệp nên sử dụng phần mềm hợp pháp để tránh rủi ro và tạo niềm tin cho khách hàng.

Đó là điều được ông Peter N. Fowler, Tùy viên Sở hữu Trí tuệ khu vực Đông Nam Á, đóng tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok, Thái Lan, khẳng định tại hội thảo “Xử lí cạnh tranh không công bằng tại Mỹ, chuỗi cung ứng và các vấn đề về an ninh mạng” do Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức tuần qua.

Tuân thủ luật địa phương

Việc bảo mật các thông tin dữ liệu cũng như sử dụng các phần mềm trong quá trình sản xuất kinh doanh hợp pháp sẽ tăng hiệu suất làm việc, giảm thiểu rủi ro và là một trong những điều kiện tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN)… là các vấn đề được nhiều chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ông Peter nhấn mạnh: “DN Việt Nam muốn xuất sản phẩm sang Mỹ thì cần phải tuân thủ tuyệt đối luật ở địa phương nếu không sẽ có nguy cơ về pháp lí. Dù hiện nay chưa có công ty nào bị khởi kiện nhưng trong tương lai điều này sẽ không tránh được”.

Ông cho biết thêm, trong môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có những rủi ro có thể tránh được, có những rủi ro không thể tránh. Rủi ro về sở hữu trí tuệ là điều mà chúng ta có thể tránh. Do vậy, đừng tiết kiệm một khoản tiền nhỏ mà để ảnh hưởng đến uy tín, đánh mất cơ hội làm ăn… Khi chúng ta tuân thủ bảo mật thì khách hàng yên tâm hơn vì người kinh doanh nào cũng luôn muốn được bảo đảm từ những nhà cung cấp.

Sử dụng phần mềm hợp pháp

Cũng trong hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng hiện có nhiều công ty xuất hàng sử dụng phần mềm “lậu” dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng giữa các DN. Nên gần đây, ở một số bang của nước Mỹ đã kiểm tra rất kĩ và đưa ra nhiều luật nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích của công dân Mỹ.

“Nếu bị kiện, ngoài những thiệt hại về vật chất, vấn đề vi phạm an ninh mạng còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, danh tiếng của DN. Điều quan trọng là niềm tin của khách hàng bị lung lay. Để tránh điều này, DN Việt Nam cần thực hiện các quy định về bản quyền một cách rõ ràng, đầy đủ, để ngăn chặn tình trạng vi phạm”, Ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc tư vấn pháp luật Công ty Unilever Việt Nam, cho biết.

Đây cũng là bước chuẩn bị để tiến tới cộng đồng kinh tế chung Asian. Chỉ khi vấn đề an ninh mạng được quan tâm thì những bất lợi này mới được giảm thiểu.

Theo các luật sư sở hữu trí tuệ, quy định pháp lí xử phạt của Việt Nam và quốc tế cho hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ phần mềm máy tính ngày càng nghiêm khắc.

Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt của pháp luật. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Cũng theo các luật sư sở hữu trí tuệ quốc tế thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng nề khi 36 bang của Mỹ đã áp dụng Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA).

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)