Thoạt nghe, việc này cứ như thể Microsoft vừa đồng ý chia sẻ khách hàng với Google. Tuy nhiên, chương trình này được triển khai nhân danh Microsoft License Mobility. Về cơ bản, quy định này nói rằng nếu như một khách hàng của Microsoft có hợp đồng hỗ trợ, khách hàng đó sẽ có thể di chuyển một số ứng dụng Windows nhất định lên đám mây mà không tốn thêm chi phí nào.

Các phần mềm và ứng dụng nằm trong diện "phủ sóng" của chương trình gồm có Exchange, SQL Server, Lync (phần mềm videoconferencing và tin nhắn IM), phần mềm bảo mật Forefront và một số ứng dụng khác. Trong danh sách không bao gồm gói ứng dụng văn phòng Microsoft Office.

Ban đầu, chương trình License Mobility này được sử dụng để khuyến khích các khách hàng của Microsoft dùng thử đám mây Azure do chính Microsoft cung cấp. Nhưng dưới thời Tổng giám đốc Satya Nadella, Microsoft đã đi theo một câu châm ngôn mới: Để cho người dùng sử dụng phần mềm Microsoft theo bất cứ cách nào họ muốn.

Và nếu như nhiều người muốn dùng phần mềm Microsoft trên đám mây của Google thì Microsoft cũng sẽ chấp nhận.

Nên biết rằng cuộc chiến trên mây giữa các đại gia truyền thống trong lĩnh vực công nghệ doanh nghiệp như Microsoft, IBM, SAP với các hãng mới lấn sân như Amazon, Google, Saleforce.com... đang ngày một khốc liệt. Doanh thu năm nay của điện toán đám mây lên tới 3.7 nghìn tỉ và không một ai có thể thờ ơ được với con số béo bở đó. Gần đây, hãng nghiên cứu Gartner đã đánh giá Microsoft đang ở vị trí số 2, bám sát quán quân Amazon trên thị trường đám mây. Nhưng Giám đốc điều hành Kevin Turner của Microsoft lại khẳng định, đại gia phần mềm xác định Google mới là đối thủ lớn nhất "trên mây" của hãng, còn Amazon chỉ nguy hiểm bằng một nửa so với Google mà thôi.

Vậy thì tại sao Microsoft lại quyết định bắt tay với đối thủ lớn nhất của mình? Theo phân tích của Business Insider, Google sở hữu một đám mây có quy mô siêu khủng mà Amazon chỉ có thể sánh được một nửa mà thôi. Nếu như đám mây của Google phủ sóng toàn cầu thì Amazon mới chỉ thịnh hành ở Mỹ và cũng không đa tính năng được như Google.

Và bạn nghĩ rằng Microsoft thực sự muốn chia sẻ khách hàng của mình với Google ư? Đây chính là điểm mấu chốt khiến cho nước cờ này thực sự cao tay. Khách hàng của Microsoft có thể sử dụng đám mây của Google, nhưng họ vẫn phải mua phần mềm của Microsoft theo cách cũ (và đắt đỏ), thông qua việc mua license (giấy phép sử dụng). Ngoài ra, họ còn phải trả cả phí thuê phần mềm của Google cho gã khổng lồ tìm kiếm.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Google không được gì trong thương vụ này. Tất nhiên, hãng sẽ đặt thêm một chân vào thị trường IT doanh nghiệp trị giá nhiều nghìn tỉ USD này.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)