Trong thế giới của các thiết bị điện tử, có nhiều thứ rất hay, thậm chí có thể nói là đột phá về mặt công nghệ tuy nhiên có vô số những thiết bị như thế bị cho vào dĩ vãng ngay sau khi vừa ra mắt. Có rất nhiều lí do dẫn đến thất bại của những sản phẩm này: ra mắt không đúng thời điểm, sử dụng các chiến lược marketing sai lầm hay đơn giản là giá bán "trên trời".

Trong bài viết lần này hãy cùng điểm qua 10 thiết bị công nghệ cực hay nhưng chết yểu.

1. Máy tính cá nhân Comodore Amiga

 

Ra mắt tại thời điểm mà máy MAC vẫn đang đóng liền 1 cục và không có khả năng mở rộng với các thiết bị ngoại vi, các máy tính cùng thời thì vẫn đang sử dụng các dòng lệnh thô kệch để làm việc thì Comodore Amiga xuất hiện như một sự đột phá. Nó có giao diện đồ họa thân thiện với khả năng hiển thị màu sắc, âm thanh stereo, chay đa nhiệm (điều mà phần lớn máy tính thời đó còn chưa làm được).

2. Compaq iPAQ

iPAQ là một trong những thiết bị đầu tiên mang mác Pocket PC đúng nghĩa. Nó sử dụng hệ điều hành Windows Mobile từ Microsoft và có thể làm được hầu hết các tác vụ mà máy tính thời đó có thể làm. Với màn hình cảm ứng và chiếc bút điện tử, các thao tác trên chiếc máy tính mini này thực sự mượt mà và dễ chịu.

3. Máy chơi game cầm tay Sega Game Gear

Không phải PSP hay Gameboy mà chính là Sega mới là người đi tiên phong trong việc mang trò chơi điện tử đến khắp mọi nơi qua chiếc máy cầm tay nhỏ. Nó sử dụng 6 viên pin AA để cấp nguồn và có thể chơi game liên tục trong 3 giờ. Sega Game Gear cũng có màn hình màu với loa ngoài stereo.

4. Atari Lynx

Ra đời trước Sega Game Gear khoảng 1 năm với thiết kế mỏng gọn hơn và pin trâu hơn hẳn, thậm chí sau đó giá còn giảm xuống giúp nó là thiết bị chơi game cầm tay rẻ nhất thị trường. Tuy thế nhưng sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Nintendo đã đẩy thiết bị này vào dĩ vãng ngay sau đó ít lâu.

5. Apple Newton

Apple Newton được coi là thiết bị PDA (tạm dịch: Thiết bị kĩ thuật số hỗ trợ cá nhân) màn hình cảm ứng đầu tiên trên thế giới. Được ra mắt lần đầu năm 1993, Newton mang đến cho người dùng khái niệm sử dụng màn hình cảm ứng và bút stylus đi kèm. Khác với iPad thành công khi ra mắt đúng thời điểm thì Apple Newton lại chết yểu vì ra mắt khi mà thiết bị cầm tay vẫn còn vướng nhiều hạn chế.

6. Microsoft Zune

Microsoft tung ra chiếc máy nghe nhạc Zune để cạnh tranh với iPod của Apple, trong khi iPod thành công bao nhiêu thì sản phẩm từ Microsoft lại thảm bại bấy nhiêu khi không thể cạnh tranh nổi.

Ngay cả khi Microsoft tung ra đời cuối cùng là chiếc Zune HD với giao diện khởi nguồn của Metro mà chúng ta thấy ngày nay trên các sản phẩm của Microsoft thì vẫn phải chấp nhận là bại tướng của iPod Touch.

7. ReplayTV DVR

Có thể coi đây là tiền thân của các thiết bị TVbox ngày nay khi hỗ trợ khả năng xem thông tin chứng khoán ngay trên truyền hình cùng với khả năng lưu lại các chương trình yêu thích.

8. Panasonic 3DO

3DO Interactive Multiplayer là tên của loạt sản phẩm máy chơi game chuyên dụng được các hãng Nhật Bản Panasonic, Sanyo và Goldstar phát hành năm 1993, 1994 theo chuẩn kĩ thuật của 3DO Company do Dave Needle và RJ Mical thiết kế.

Do không thể cạnh tranh với hàng loạt các máy chơi game cùng thời, chiếc máy chơi game này đã ngừng sản xuất vào năm 1995, và 8 năm sau đó, công ty 3DO cũng đã bị phá sản và tự bán mình.

9. Sony Mini Disc

Sony Mini Disc ra đời đúng vào giai đoạn nhạc số với định dạng Mp3 bắt đầu phát triển và hàng loạt các thiết bị máy nghe nhạc sử dụng ổ cứng ra đời với sự tiện lợi đã giết chết nó.

10. Sega Dreamcast

Đáng buồn cho Sega khi họ có đến 2 sản phẩm trong danh sách này. Sega Deamcast là một thiết bị rất tuyệt vời nhưng Sony Playstation xuất hiện đã chấm dứt vòng đời của nó.

Dự đoán trong tương lai: Các thiết bị đeo thông minh đang phát triển rất mạnh mẽ và đã có tính thực dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên có một sản phẩm là Google Glass vẫn lẹt đẹt do giá bán đắt và chưa thực sự phát huy được hết thế mạnh của mình. Liệu Google Glass có chết yểu như 10 sản phẩm phía trên?

Theo Genk. Nguồn Gizmodo.




Bình luận

  • TTCN (0)