"Đây là chiếc iPhone đầu tiên mình sử dụng. Nó cũng là mẫu điện thoại đắt tiền nhất và được mình thích nhất từ trước đến giờ", Hoàng Dũng, 22 tuổi, chàng thợ mộc quê Diễn Châu, Nghệ An cho biết.

Gỡ chiếc tai nghe Nokia ra khỏi bản iPhone 4 của mình, Dũng cho biết, máy vừa được anh tậu cách đây 2 tháng. Nó không có phụ kiện, chỉ điện thoại và dây sạc. "Máy cũ mà, dân thợ như bọn mình làm gì đủ tiền mua iPhone mới", anh nói. "Từ khi có nó, mình nghe nhạc khi làm việc, giờ nghỉ mang ra chơi game, lên Facebook chat với bạn cũ, thi thoảng cũng đọc tin Pháp luật trên báo".

Trong xưởng mộc, ngoài Dũng, còn có 2 người bạn khác cũng mới mua iPhone 4 cũ. "Em nghe nói iPhone lâu rồi, thi thoảng thấy vài người dùng, nhưng không nghĩ mình sẽ mua được nó", Nguyễn Tùng, thợ cùng xưởng cho biết.

Theo Hoàng Dũng, anh thích chiếc điện thoại của mình và nó đẹp, nhiều tính năng và quan trọng, "nghe tới iPhone thì ai cũng biết". Cầm mẫu iPhone 4 đã jailbreak sẵn trên tay, anh khoe nhiều ảnh đẹp được chỉnh sửa, vào Facebook để xem những đứa bạn xa nhà sống thế nào, thi thoảng chat Zalo, gọi điện miễn phí.

Cũng như Dũng, Nguyễn Tùng không biết cài thêm phần mềm, anh chỉ chạy một số ứng dụng sẵn có, cần trò chơi hay nghe bạn bè nói về phần mềm nào, anh lại ra nơi mua để nhờ thợ thêm vào.

Những chiếc máy của Dũng và Tùng đều được cung cấp từ cửa hàng anh Nguyễn Cảnh Minh. Hai tháng trước, khi anh Minh mang lô hàng đầu tiên về, Dũng và một vài người bạn phải bỏ ra số tiền khoảng một tháng lương - 3,5 triệu đồng. "Hiện giá máy đã xuống khoảng 3 triệu, nguồn hàng cũng nhiều hơn", anh Minh cho biết. "Trước nay mình chủ yếu bán điện thoại Nokia, giờ thì có thêm iPhone 4, 4S cũ. Mỗi khi có hàng, địa chỉ của mình lại đông đúc, có nhiều khách đi cả chục km để mua vì dặn trước".

Theo anh Minh, điện thoại cảm ứng không còn xa lạ với người dân ở đây, nhưng một chiếc iPhone giá rẻ lại được ưa chuộng nhiều hơn. "Chúng là hàng hiệu, dù đã qua sử dụng, nhưng trông còn mới", anh nói.

Tại nhiều vùng quê ở Nghệ An, di động bán tốt nhất là các sản phẩm cục gạch. Vài năm trước, di động Trung Quốc, hàng thương hiệu nhỏ xuất hiện ồ ạt với nhiều tính năng như nghe nhạc, xem phim, bán ở mức giá rẻ. Tuy nhiên, việc dùng các thiết bị này nhanh hỏng, nên chúng dần bị thay thế. Trong vài năm trở lại đây, Nokia là thương hiệu bán chạy nhất với các dòng Asha, Lumia giá rẻ. Một vài địa chỉ lớn còn có thêm các sản phẩm Android tầm trung và cao cấp, tuy nhiên, doanh số lớn vẫn nằm tại các cửa hàng nhỏ ở xã, thị trấn, nơi cung cấp các model giá thấp.

Theo chủ một cửa hàng tại thị trấn Diễn Châu, phần lớn người dùng smartphone cao cấp đều chọn mua ở các cửa hàng lớn, đi vào TP.Vinh để mua. Vì vậy, điện thoại dưới 7 triệu và giá rẻ mới tiêu thụ được ở các vùng nông thôn lân cận.

Các mẫu iPhone cũ đã xuất hiện ở đây khá lâu, nhưng gần đây mới có nguồn nhập. Anh Ngô Bá Trung, một người có cửa hàng nhỏ tại Diễn Châu cho biết, một vài địa chỉ nhờ người quen, tìm kiếm các mối ở phía Bắc để đưa về. "Bán iPhone cũ lãi vừa phải, cửa hàng cũng phải tự chịu trách nhiệm bảo hành, cài đặt máy khi cần. Do đó, người bán cũng cần hiểu biết về iPhone". Theo anh Trung, do nhu cầu ngày càng tăng, cửa hàng phải cạnh tranh để đưa về, "thực tình, bán hàng chính hãng vẫn đỡ lo hơn, không phải chịu nhiều trách nhiệm".

"Cũng may, iPhone cũ ít hỏng vặt, người dùng ở quê chỉ chơi game, thi thoảng kết nối 3G, lướt phây (Facebook), nghe nhạc, chứ không có nhiều nhu cầu", anh Cảnh Minh cho biết. Những lỗi phổ biến trên các dòng máy như đơ máy, kết nối Wi-Fi không được hay nhiều khi bật nguồn không lên.

Hầu hết những chiếc iPhone 4 cũ rao bán ở đây là hàng dựng. Theo nhiều dân buôn điện thoại, chúng được làm lại vỏ máy, cài phần mềm ở Trung Quốc, và nhập qua các đường tiểu ngạch đi vào Việt Nam. Tương tự như trào lưu BlackBerry cũ 3-5 năm trước, các mẫu iPhone cũ cũng xuất hiện như một dòng di động riêng và hình thành nên một hệ thống các tay buôn, cửa hàng phân phối về tận tay người dùng ở các vùng quê, người có thu nhập thấp.

"Chúng cạnh tranh ngang ngửa với điện thoại Nokia, Samsung, Q-mobie dù đã cũ. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương để sở hữu một chiếc iPhone trông sành điệu, có thương hiệu hấp dẫn mà không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng", anh Bá Trung nói.

Trong khi đó, với Hoàng Dũng, "Giờ iPhone là vật bất li thân của mình". Mỗi tháng, anh mất thêm 30.000 đồng để dùng gói thuê bao 3G, "nó giúp mình liên lạc được với bạn bè, chụp ảnh mọi người xung quanh. Mình thấy rất hài lòng", anh nói.

Theo Zing.



Bình luận

  • TTCN (0)