Máy bay vũ trụ Skylon có thể hoạt động cả trong bầu khí quyển và không gian. Ảnh: Reaction Engines.

Dự án của Reaction Engines được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ủng hộ và tài trợ 1 triệu euro. Sử dụng động cơ phản lực Sabre do chính công ty Anh phát triển, Skylon có thể đạt tốc độ Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Với tốc độ siêu tưởng này, Skylon dễ dàng tới bất kì địa điểm nào trên bề mặt Trái Đất trong vòng 4 giờ. Đặc biệt hơn, chiếc máy bay vũ trụ có thể bay thẳng vào không gian mà không cần tên lửa đẩy trợ giúp.

Hiện tại, tàu vũ trụ không thể hoạt động trong bầu khí quyển, còn máy bay không hoạt động được ngoài không gian. Tuy nhiên, dự án của Reaction Engines nhằm tích hợp máy bay và tàu vũ trụ làm một, vừa tăng hiệu quả sử dụng vừa giảm chi phí vận hành.

Alan Bond, kĩ sư trưởng dự án của Reaction Engines, ước tính một máy bay chở 300 hành khách sẽ mất khoảng 4 tiếng để đi từ châu Âu đến Úc. Theo kĩ sư Bond, động cơ Sabre có thể chuyển đổi linh hoạt sang chế độ tên lửa, nhờ vậy giúp máy bay hoạt động được trong vũ trụ liên tục 36 giờ.

Ảnh
Phiên bản Skylon chở khách Lapcat A2. Ảnh: Reaction Engines.

Reaction Engines cho biết Sabre đã được thử nghiệm thành công và ESA cũng xác nhận thiết kế khả thi của loại động cơ này. Dự kiến vào năm 2019, Skylon sẽ trình làng với phiên bản máy bay chở khách đầu tiên tên gọi Lapcat A2.

Kĩ sư Bond tuyên bố: “Trong tương lai, chúng tôi có thể phóng vệ tinh với chi phí rẻ hơn, xây dựng trạm không gian hoặc tạo ra hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời cho Trái Đất. Thậm chí, chúng tôi có thể chế tạo tàu vũ trụ để bay tới các hành tinh khác”.

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)