Chỉ còn 40,7% số vé được bán trực tiếp tại các ga tàu.

Theo số liệu thống kê của FPT trong dịp cao điểm bắt đầu mở bán vé tàu Tết (ngày 1/12/2014), thời điểm đông người truy cập cùng một lúc trên hệ thống khoảng là 30.000 lượt; lưu lượng truy cập vào website đặt chỗ cho đến ngày 21/12/2014 là 1.653.436 lượt truy cập với 875.424 phiên giao dịch được thực hiện. Trong đó, có tới 11% là giao dịch do đối tượng trên 55 tuổi thực hiện (khoảng 87.500 phiên).

Hệ thống được thiết kế thân thiện người sử dụng, trang bị cơ sở hạ tầng có khả năng chịu tải cao, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đặt chỗ và mua vé của người dân trên website. Trên thực tế, hệ thống đã bảo đảm thông suốt, không bị quá tải, nghẽn mạng. Cụ thể thời gian kết nối với máy chủ là 0,02 giây; thời gian tra cứu tên miền là 0,04 giây; thời gian tải trang xuống trung bình 0,06 giây.

Cho đến thời điểm 07h00 ngày 22/12/2014, tổng số vé bán trên toàn hệ thống là 273.432 vé, trong đó tổng số lượng vé mua qua website là 162.048 vé chiếm khoảng 59,3% tổng số vé bán trên toàn hệ thống và 40,7% vé bán còn lại được bán trực tiếp tại các ga thuộc Tổng Công ty ĐSVN.

Đáng lưu ý, hệ thống ghi nhận tại tất cả 64 tỉnh thành đều có giao dịch truy cập vào website để mua vé và thực hiện thanh toán để sở hữu vé ngay tại hệ thống bưu cục tại địa phương. Tổng số vé thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng là 20.031 vé chiếm tỉ lệ 12%; thanh toán qua bưu cục, ngân hàng là 103.481 vé chiếm tỉ lệ 64%; thanh toán trả tiền tại ga: 38.536 vé chiếm tỉ lệ 24%; tỉ lệ bán vé trung bình trong thời kì cao điểm (từ 1/12 – 6/12/2014) là 19.175 vé/ngày; tỉ lệ bán vé trung bình trên toàn hệ thống là 8.820 vé/ngày.

Đặc biệt, việc xây dựng tính năng Hàng đợi trên hệ thống mới đã tạo thêm nhiều cơ hội cho những người không nhanh tay mua được vé Tết trong những ngày đầu mở bán. Đến hết ngày 21/12 đã có 11.793 lượt người được phục vụ trong tổng số 52.467 người đăng kí chờ cơ hội mua vé qua chức năng hàng đợi. Số người đăng kí mua vé được phục vụ này tương đương 20.762 vé đã được phân phối qua chức năng hàng đợi của hệ thống.

Bước đầu triển khai hệ thống hoạt động thông suốt không bị quá tải, nghẽn mạng, không xuất hiện tình trạng ùn tắc, xếp hàng mua vé tại các nhà ga trên tuyến đường sắt Bắc – Nam ( trừ ngày 06/12, tại ga Sài Gòn có khoảng 300 người dân vẫn giữ thói quen ra ga mua vé nên xảy ra tình trạng tập trung đông người, sau khi Tổng công ty ĐSVN chỉ đạo Công ty Vận tải Hành khách ĐS Sài Gòn và ga Sài Gòn thông báo cho hành khách “Mua vé tàu trên mạng Internet và ra ga mua vé đều có cơ hội như nhau”, thì trong các ngày tiếp theo không còn tình trạng đông người).

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam cho biết, hệ thống bán vé tàu điện tử đã thành công và đem lại tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, trong những ngày đầu bán vé Tết Ất Mùi vừa qua, một số sự cố đã xảy ra ảnh hưởng tới việc mua vé tàu của người dân đã được phản ảnh qua một số phương tiện truyền thông là do đây là một hệ thống lớn có quy trình nghiệp vụ rất phức tạp, cần sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị và lần đầu tiên được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc nên đã gặp phải một số tình huống thiếu các hướng dẫn cụ thể cho người sử dụng.

Thêm vào đó, nhiều hành khách đi tàu cũng chưa có thói quen mua hàng trực tuyến và cũng chưa từng được tiếp cận với bất kì quy trình mua vé trực tuyến nào nên có nhiều bỡ ngỡ và đã không thực hiện đúng các thao tác và các hướng dẫn khi mua vé.

Ngay khi phát hiện sự cố, Tổng công ty Đưởng sắt Việt Nam đã phối hợp với FPT khẩn trương điều chỉnh hệ thống, thường trực 24/24h tích cực hướng dẫn hành khách thao tác đặt chỗ, thống nhất với hành khách các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của những hành khách bị mất quyền giữ chỗ. Đến hết ngày 05/12, toàn bộ 342 quyền giữ chỗ gặp sự cố trong các ngày 1 – 2/12 đã được giải quyết.

“Trong quá trình quản lí vận hành hệ thống, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và FPT đã thường xuyên điều chỉnh và đưa thêm các thông báo hướng dẫn lên hệ thống bán vé để hỗ trợ người dân đặt vé thuận tiện và cũng nâng cấp các tính năng của hệ thống để nâng cao tiện ích và phù hợp với thói quen mua hàng trực tuyến của hành khách đi tầu. Ví dụ khi hành khách hủy chỗ mua vé ở trên mạng thì đồng thời phải gửi tin nhắn từ số điện thoại đã đăng kí trên mục thông tin cá nhân của hành khách tới tổng đài của hệ thống để xác nhận trước khi hủy, tránh việc để lộ thông tin cá nhân và bị người khác lợi dụng hủy chỗ của hành khách. Chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp kĩ thuật tiên tiến nhằm chống đặt vé tự động bằng robot, hạn chế khả năng đầu cơ vé” ông Hoạch nói.

Thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với FPT để tiếp tục đưa vào hệ thống một số tính năng như: Thông tin hỗ trợ tra cứu thông tin khách đi tàu (dành cho đoàn tiếp viên và trưởng tàu), kios bán vé tự động, bán vé qua điện thoại/tin nhắn, sử dụng vé điện tử sau khi thanh toán tiền để hành khách không phải ra ga lấy vé, thiết bị soát vé qua mã 2D, phiên bản website tiếng Anh,...

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)