Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng hình ảnh và khả năng tương tác với tính năng camera trên điện thoại di động.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện không quan tâm quá nhiều vào cấu hình của một chiếc smartphone, thay vào đó họ chú ý đến khả năng "phục vụ cuộc sống" của thiết bị di động này và từ đó dẫn đến xu hướng cạnh tranh của giới công nghệ kĩ thuật số khi các hãng sản xuất thiết bị di động đua nhau tung ra thị trường những mẫu smartphone mới tích hợp "máy ảnh" chất lượng.

Từ cuộc đua số “chấm”…

Cách đây khoảng 5 năm, đa số người tiêu dùng vẫn cho rằng việc chụp ảnh nên thực hiện với một chiếc máy ảnh chuyên biệt. Những ống kính máy ảnh trên điện thoại di động chỉ được xem là "phụ họa" cho nhu cầu có ảnh tức thời của họ mà thôi.

Nhưng giờ đây, khi các dịch vụ mạng xã hội và điện toán đám mây ngày càng nở rộ, kết hợp với tâm lí muốn "khoe hình" của người dùng, những mẫu điện thoại di động thông minh (smartphone) đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận bởi khả năng tích hợp các máy ảnh “xịn”. Người ta ngày càng chấp nhận việc loại bỏ quan niệm mua máy ảnh chuyên dụng, mà quan tâm đến khả năng chụp ảnh bằng điện thoại hơn.

Dựa trên nền tảng tâm lí đó, các nhà sản xuất thiết bị số đã nhanh chóng bước vào một cuộc đua tranh mới. Không tự gò bó ở các kích thước độ phân giải máy ảnh hạn chế như 8 "chấm" nữa, họ bắt đầu vạch chiến lược đầu tư vào các công nghệ thể hiện hình ảnh số hóa ở mức cao hơn, thậm chí lên đến 41 Mpx, điều mà ngay những nhà sản xuất máy ảnh số cũng phải ước mơ.

…đến cuộc chiến phần mềm

Nhưng đối với người tiêu dùng, khi số "chấm" của máy ảnh trên smartphone đã gia tăng, họ lại bắt đầu chuyển sự chú ý sang các yếu tố khác, như khả năng sử dụng, khai thác thiết bị, tính tiện lợi của các phần mềm giả lập, nhất là… những phần mềm xử lí đồ họa có khả năng "hô biến" ảnh chụp từ xấu thành đẹp. Điều này lại một lần nữa đẩy các nhà sản xuất vào thế nghiên cứu, không ngừng tạo ra những sản phẩm tích hợp các phần mềm “thông minh” hơn.

Điển hình như bộ điện iPhone 6 hay iPhone 6 Plus của hãng Apple dù vẫn giữ số lượng điểm ảnh 8 Mpx như iPhone 4S đã ra mắt cách đây 3 năm, nhưng giờ đây lại tích hợp thêm phần mềm thao tác đơn giản hơn cũng như phần mềm có thể “cải tạo” chất lượng hình ảnh. Bởi thế, không khó hiểu lắm khi người tiêu dùng lại tiếp tục "đổ tiền" mua các sản phẩm này.

Có thể nói, các nhà sản xuất hiện nay không còn dừng ở việc đầu tư phần cứng máy ảnh thông minh nữa, mà phải “đặt cược” hợp tác xây dựng những phần mềm hỗ trợ xử lí hình ảnh sao cho tối giản nhưng có chất lượng tối ưu nhất.

Cơ hội cũng là thách thức?

Rõ ràng, cái chết được báo trước về thị trường máy ảnh số lâu nay lại chính là cơ hội cho nhiều nhà sản xuất điện thoại di động tìm thấy sản phẩm thành công. Việc đầu tư cải thiện các công nghệ kĩ thuật mới không chỉ giúp họ thay đổi chất lượng giá trị thiết bị mà còn đem lại vị trí khác biệt với thị trường, bởi người tiêu dùng đang xem máy ảnh "xịn" là cơ hội để đổi các dòng máy điện thoại mới hơn và thông minh hơn.

Thách thức của các nhà sản xuất, xem ra chỉ còn là với giai đoạn kinh tế khó khăn bởi khi đó khách hàng không muốn chi tiêu quá nhiều, thì việc thuyết phục họ "đổi đời" điện thoại cần phải bắt đầu từ giá trị cụ thể có được. Máy ảnh số trên smartphone, bởi thế đang trở thành tâm điểm chọn lọc của thị trường tiêu dùng thiết bị số.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)