Theo đó, ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký ban hành Chỉ thị về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.

Chỉ thị này nhấn mạnh, thời gian gần đây, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, thông tin trên mạng có nội dung không lành mạnh, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, khiêu dâm, bói toán, cờ bạc, lô đề… có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và gây bức xúc trong dư luận.

Để ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác, trong Chỉ thị mới ban hành, Bộ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông tăng cường hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động trả trước theo quy định tvề quản lý thuê bao di động trả trước làm cơ sở để ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng sử dụng SIM trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả thực thi thông tư về giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất nhằm giảm số lượng thuê bao ảo, SIM rác và nâng cao tính chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước; tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc hoàn thiện và sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh nhân dân.

Cục Viễn thông phải khẩn trương hoàn thiện và trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 72/2013/TT-BTTTT quy định về kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin và doanh nghiệp viễn thông di động, trong đó quy định chi tiết về đầu số tin nhắn, tỷ lệ phân chia giá cước dịch vụ nội dung thông tin sử dụng tin nhắn ngắn, các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo sự phát triển dịch vụ nội dung một cách bền vững, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ nội dung, góp phần hạn chế tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Cùng với việc nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý giá cước tin nhắn quản cáo hợp lý để thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gửi các tin nhắn quảng cáo đúng theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông sớm hoàn thiện quy định quản lý dịch vụ điện thoại, tin nhắn trên nền Internet (OTT), trong đó có các quy định hạn chế tình trạng gửi tin nhắn rác từ Internet.

Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm có liên quan tới hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp thông tin vi phạm pháp luật; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra chuyên ngành các Sở TT&TT tiến hành thanh tra, xử phạt nghiêm và đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Đối với Cục An toàn thông tin, Bộ trưởng chỉ đạo đơn vị này bám sát tiến độ triển khai dự án Luật An toàn thông tin nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc quản lý thông tin cá nhân; Tập trung triển khai các nội dung tại Nghị định 77/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ về chống thư rác, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội tin nhắn một các hiệu quả theo quy định và chủ động đề xuất các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, bao gồm cả việc nghiên cứu quy định tần xuất gửi tin nhắn của các thuê bao di động; tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi thu thập, mua bán thông tin cá nhân trái phép trên mạng, thông tin về số điện thoại di động của khách hàng…

Với VNCERT, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm cần tăng cường giám sát, phát hiện các dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và cung cấp cho cơ quan thẩm quyền để xử lý vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, công an, cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong điều tra xử lý tổ chức, cá nhân phát tán tin rác, tin nhắn lừa đảo.

Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các đợt nhắn tin tới tất cả các thuê bao của mạng mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô sử dụng và có tính chất nghiêm trọng.

Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông di động phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng, đồng thời báo cáo Bộ TT&TT (Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, Cục An toàn thông tin) để theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp viễn thông di động phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả theo quy định; chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác và cập nhật cho hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác; tăng cường theo dõi giám sát phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác và thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện thuê bao vi phạm; đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động gửi quảng cáo qua tin nhắn nhằm bảo đảm nội dung tin nhắn rõ ràng, tuân thủ đúng quy định và các tin nhắn quảng cáo chỉ được gửi tới các thuê bao đã đăng ký nhận quảng cáo trước đó và không từ hối nhận quảng cáo. Các tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ nội dung phải đảm bảo trong tin nhắn có đầy đủ thông tin về giá cước và hướng dẫn hủy dịch vụ.

Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin phải quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên đầu số dịch vụ của mình; nghiêm túc, tích cực thực hiện các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chủ động phối hợp với doanh nghiệp viễn thông di động trong việc xử lý các khiếu nại về dịch vụ nội dung liên quan tới dịch vụ của mình.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp này phải thiết lập cơ chế cảnh báo tự động (hiển thị bắt buộc) tới người dùng ngay khi vừa đăng nhập để sử dụng dịch vụ về các hình thức, dấu hiệu tin nhắn lừa đảo, thông tin lừa đảo trên môi trường mạng xã hội, trong các trò chơi điện tử trên mạng; hướng dẫn người sử dụng dịch vụ cách xử lý và thông báo vi phạm đến doanh nghiệp khi phát hiện tin nhắn lừa đảo, thông tin lừa đảo, thông tin không lành mạnh và thông tin vi phạm pháp luật.

Chỉ thị cũng nêu rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử phải khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo xuất hiện trên môi trường mạng xã hội và trong trò chơi điện tử khi tự phát hiện hoặc khi nhận được cảnh báo từ người sử dụng dịch vụ; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)