Chúng ta sẽ dần dần có các sản phẩm “made in Vietnam” (sản xuất ở Việt Nam), rồi tiến tới “made bi Vietnam” (sản xuất bởi Việt Nam).

Đem lại nhiều giá trị cho Việt Nam

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam bên lề Hội thảo “Xu hướng thiết bị đầu cuối với Intel Inside” diễn ra sáng 11/12/2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Long, Tổng Thư kí Hội Tin học Việt Nam nhấn mạnh vai trò tích cực của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung, Intel… trong quá trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

“Việt Nam từ chỗ là quốc gia không có nền sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử, sau khi có sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài như Intel, Samsung… và các nhà máy sản xuất chip, sản xuất điện thoại… thì lĩnh vực này đã bắt đầu có sự khởi sắc. Người dân Việt Nam đã dần dần được thụ hưởng những thành quả công nghệ mới nhất với giá thành rẻ hơn ở nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn chip Intel sản xuất tại Việt Nam đã giúp phổ biến những chiếc máy tính bảng có giá chỉ từ 50 – 100 USD tại thị trường Việt, đồng thời cũng giúp người dùng Việt Nam có thể tiếp cận những dòng sản phẩm cao cấp với công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới như máy tính đa nền tảng (iOS, Android, Windows Phone…), máy tính thế hệ mới NOC… Mặt khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chú trọng tới việc thiết lập cơ sở đầu tư nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhanh chóng những thành quả công nghệ mới nhất, củng cố năng lực nghiên cứu phát triển cho bản thân mình”, ông Nguyễn Long phân tích.

Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Những doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực công nghệ cao như Intel, Samsung và một số hãng khác có vai trò rất tích cực cho việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Đề án Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Bởi, khi có những nền tảng công nghệ mà chúng ta chưa có những điều kiện để triển khai, tiếp cận thì bây giờ nhờ có những nguồn lực quốc tế hỗ trợ, chúng ta dần tạo thành nền tảng tiền đề rất quan trọng để đưa nền công nghiệp phần cứng tại Việt Nam phát triển, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Đi theo hướng chuyển giao dần công nghệ của các hãng lớn như Intel, Samsung… về Việt Nam với lộ trình 5 năm, 10 năm, hi vọng là chúng ta sẽ dần dần có các sản phẩm “made in Vietnam” (sản xuất ở Việt Nam), rồi tiến tới “made bi Vietnam” (sản xuất bởi Việt Nam). Nhiều quốc gia khác như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan đều đi theo con đường này… Đó cũng là con đường để mở rộng tiềm lực của CNTT-TT Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế”.

Cần có nhiều chính sách tốt hơn

Thực tế, những năm gần đây lĩnh vực công nghiệp CNTT-TT Việt Nam liên tiếp gặt hái nhiều thành quả đáng mừng, chẳng hạn doanh thu công nghiệp phần cứng tăng mạnh, đạt tới 20 – 30 tỉ USD. Khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư lớn như Samsung, Intel đều đã nghiên cứu chiến lược rất kĩ.

Tuy nhiên, khi đón tiếp những nguồn đầu tư này, đôi khi Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ, cách đây vài năm, Intel từng ca thán về chất lượng nguồn nhân lực, hoặc mới đây họ cho biết sẽ không mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nếu tình nguồn cung điện lưới... không được đảm bảo.

Trong khi đó Samsung than phiền rằng không thể tìm kiếm được doanh nghiệp Việt nào làm đối tác để sản xuất các thiết bị phụ trợ như ốc vít, vỏ ốp, chip máy...

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Long đưa ra một góc nhìn khá tích cực: “Đất nước chúng ta đang trong quá trình chuyển dịch kinh tế nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Chính những than phiền của các nhà đầu tư lớn… sẽ giúp các cơ quan quản lí phải cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi chính sách để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài. Những yêu cầu cao của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn lại mình, phải đầu tư thích đáng và chuyên nghiệp hơn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, đại diện của Hội Tin học Việt Nam – một “cầu nối” hữu hiệu giữa các cơ quan quản lí với doanh nghiệp – cũng đề xuất các cơ quan quản lí đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lí hỗ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Đơn cử, trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ông Nguyễn Long cho rằng: “Hiện nay các thiết bị phụ trợ thường được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nhập của Malaysia, Thái Lan về Việt Nam. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam dần chiếm lĩnh được thị phần trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Chính phủ cần sớm khắc phục một số bất cập trong cơ chế, chính sách. Đơn cử, chúng ta ưu đãi tuyệt đối cho doanh nghiệp FDI nhưng lại không có ưu đãi tương tự cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mảng công nghiệp phụ trợ. Làm sớm được việc này, chúng ta không chỉ nâng được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ theo đúng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài là tìm kiếm nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ và chất xám cao phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa đất nước sớm thành hiện thực...".

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)