Việc MobiFone tách ra khỏi VNPT và nâng cấp lên thành Tổng công ty đã được truyền thông quan tâm.

Chiều ngày 29/12/2014, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) sẽ tổ chức Lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu của năm 2014 và buổi tọa đàm với chủ đề "Đưa ứng dụng CNTT - viễn thông vào đời sống".

Trong số 27 đề cử có nhiều sự kiện tiêu biểu như hiện tượng Flappy Bird gây sốt trên toàn thế giới. Xuất hiện từ cuối tháng 1/2014 trên 2 chợ ứng dụng Google Play cho thiết bị Android và App Store cho iPhone, iPad, game Flappy Bird của tác giả người Việt có tên Nguyễn Hà Đông đã gây sốt trên toàn cầu vì tính đơn giản nhưng rất khó chơi của game trên thiết bị di động này. Tuy nhiên, sau khi tiết lộ doanh thu từ quảng cáo của Flappy Bird có thể lên tới 50 ngàn USD/ngày, các cơ quan quản lí thuế đã đề cập đến vấn đề truy thu thuế đối với tác giả Nguyễn Hà Đông. Người chơi Flappy Bird bắt đầu có xu hướng phát cuồng vì trò game quá khó, dẫn tới những hành động tiêu cực như đập điện thoại, có những hành vi mất kiểm soát cùng việc đưa lên YouTube các video cay cú vì trò game này.

Trước áp lực từ người chơi trên toàn cầu về các tác động tiêu cực, cùng những quan điểm trái chiều tại Việt Nam đòi truy thu thuế Flappy Bird hay đố kị rằng game này chỉ là sự vi phạm bản quyền về hình ảnh và ý tưởng, tác giả Nguyễn Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ trò chơi khỏi 2 chợ ứng dụng di động trên toàn cầu. Nhưng Flappy Bird vẫn được lọt vào 10 từ khóa tìm kiếm trên Google nhiều nhất toàn cầu năm 2014 và tác giả Nguyễn Hà Đông cũng lọt vào danh sách 10 triệu phú công nghệ làm giàu từ Internet do trang The Richest bình chọn.

Việc bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp ở 3 doanh nghiệp viễn thông Việt Nam là Viettel, VNPT, MobiFone cũng nằm trong đề cử sự kiện ICT tiêu biểu của năm 2014. Việc Bộ Quốc phòng bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này thay cho ông Hoàng Anh Xuân từ 1/3/2014 đã trở thành sự kiện được giới truyền thông đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông nhận định là “bộ não” của Viettel và cũng là người có công trong việc "người đưa dịch vụ di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân” ở Việt Nam.

Một thông tin gây sốc khác là VNPT đã công bố quyết định giao cho ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc MobiFone phụ trách chức vụ Chủ tịch MobiFone thay cho ông Lê Ngọc Minh và điều động ông Lê Ngọc Minh về làm Phó tổng giám đốc VNPT cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Cùng với việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao thì sự kiện MobiFone tách ra khỏi VNPT và nâng cấp lên thành Tổng công ty đã được truyền thông quan tâm. Đây là chuyển biến quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu tập đoàn VNPT để tinh gọn bộ máy, tăng cường tính hiệu quả cho tập đoàn. Phương án tách MobiFone cũng nằm trong dự doán của giới chuyên môn về viễn thông do mạng di động này đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cổ phần hóa và hoạt động tương đối độc lập với tập đoàn VNPT. Tuy nhiên, việc MobiFone được tách khỏi tập đoàn mà không phải gánh theo 60 đơn vị khác của VNPT đang làm ăn thua lỗ lại khiến nhiều người bất ngờ.

Liên tục trong những năm qua, Samsung luôn trở thành tâm điểm về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sự kiện Samsung dốc tiếp 3 tỉ USD vào Việt Nam, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam được đông đảo giới truyền thông quan tâm.

Trong các sự kiện đề cử năm nay cũng có nhiều đề cử liên quan đến việc các ứng dụng CNTT đi vào đời sống như FPT xây dựng hệ thống bán vé tàu qua mạng cho Đường sắt Việt Nam giảm bớt nỗi lo xếp hàng mua vé tàu của hàng triệu người Việt Nam hay sự kiện Uber - dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng di động, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế chỉ xuất hiện ở TP.HCM và Hà Nội trong một thời gian ngắn đã gây bão dư luận. Ban đầu dịch vụ Uber thường rẻ hơn, lại phục vụ tốt hơn, có sự tham gia của cả các xe sang khiến cho các hãng taxi phản ứng quyết liệt.

ICTnews đưa ra 20 sự kiện được các nhà báo ICT Press Club chấm điểm cao nhất đến độc giả. Trong số 20 sự kiện này ICT Press Club sẽ chỉ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu của năm 2014 dựa trên số điểm mà các nhà báo bình chọn cao nhất.

Danh sách 20 sự kiện đã được bình chọn với số điểm cao nhất trong tổng số 27 đề cử. Các sự kiện này được xếp ngẫu nghiên

1 - Viettel, VNPT, MobiFone đồng loạt bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp

2 - FPT xây dựng hệ thống bán vé tàu qua mạng cho Đường sắt Việt Nam

3 - Lần đầu tiên tiến hành đấu giá lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về

4 - Bộ TT&TT yêu cầu Viettel dừng chương trình triển khai Internet cho giáo dục

5 - FPT mua công ty phần mềm ở Slovakia

6 - Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT

7 - Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 nhằm thay thế Chỉ thị 58 về ứng dụng CNTT

8 - BKAV ra mắt nhà Thông minh Smarthome

9 - Kết hợp Công nghệ Sinh học - Tin học giải mã bản đồ Gen Người Việt

10 - Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

11 - Zalo vượt qua Viber đứng số 1 về OTT tại Việt Nam

12 - Tiền ảo Bitcoin không được công nhận là phương tiện thanh toán ở Việt Nam

13 - VCCorp bị hacker đánh sập toàn bộ hệ thống thiệt hại hàng chục tỉ đồng

14 - MobiFone tách ra khỏi VNPT và nâng cấp lên thành Tổng công ty

15 - Hiện tượng Flappy Bird gây sốt trên toàn thế giới

16 - Đóng cửa Haivl vĩnh viễn

17 - Phát hiện Công ty Việt Hồng cài phần mềm nghe lén hàng chục nghìn khách hàng

18 - Liên tục đứt cáp quang biển AAG khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng

19 - Samsung dốc tiếp 3 tỉ USD vào Việt Nam, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

20 - Uber xuất hiện tại Việt Nam gây nhiều tranh cãi

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)