Các nhà nghiên cứu cũng tuyên bố, hơn 1/4 số động vật có vú cùng 13% các loài chim có thể nhận kết cục bi thảm như loài chim cu lười, vốn đã tuyệt chủng từ cuối thế kỉ 17, vì hoạt động của con người. Viễn cảnh tăm tối như trên có thể xảy ra vào năm 2200, nếu các loài sinh vật trên Trái đất tiếp tục biến mất với tốc độ như hiện nay.
Nhiều sinh vật hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng, kể cả loài chim cánh cụt Magellanic, voi Sumatra và báo Amur. Tuy nhiên, nhiều động vật quen thuộc hơn có thể sớm được đưa thêm vào danh sách này.
Các phỏng đoán trên được đưa ra trong một phân tích do tạp chí khoa học Nature tiến hành. Các tác giả đã đổ lỗi sự suy giảm môi trường sống do hoạt động của con người là nguyên nhân then chốt dẫn đến sự thay đổi này.
"Nhìn chung, tình trạng đa dạng sinh học đang xấu đi, trong nhiều trường hợp là vô cùng nghiêm trọng", Derek Tittensor, nhà sinh thái học biển tại Trung tâm giám sát bảo tồn thế giới thuộc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, nói.
Ông Tittensor cho biết thêm rằng, việc phá hủy môi trường sống, nạn ô nhiễm và đánh bắt cá quá mức đã giết chết các sinh vật hoang dã (kể cả động vật và thực vật) hoặc khiến chúng vô cùng suy yếu. Theo chuyên gia này, nguy cơ thêm từ tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng sẽ ngày càng rõ thấy hơn và cuối cùng có thể giết dần giết mòn các sinh vật còn sống sót.
Nghiên cứu của tạp chí Nature nhấn mạnh, các lỗ hổng trong vốn hiểu biết của giới khoa học về sự đa dạng sinh học của Trái đất đang gai tăng vấn đề. Chẳng hạn như, nghiên cứu phát hiện ít nhất 993 loài côn trùng đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng cho tới nay, mới chỉ có 0,5% trong gần 1 triệu loài đã biết được nghiên cứu.
Báo cáo nhận định, hầu hết các loài bị đe dọa chưa được biết đến cư trú ở những vùng nhỏ bé của thế giới, thường ở các môi trường sống đang nhanh chóng bị hủy hoại. Các chính sách bảo tồn có thể làm chậm lại quá trình tuyệt chủng, nhưng các xu thế như hiện nay ám chỉ, tốc độ tuyệt chủng vẫn sẽ vào khoảng 0,01 - 0,7%/năm đối với tất cả các loài hiện hữu.
Hồi tháng 7, một phân tích riêng rẽ đăng tải trên tạp chí Science cũng khám phá thấy rằng, một cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đang diễn ra. Báo cáo này nói, trong khi các cuộc đại tuyệt chủng trước đây bắt nguồn từ sự chuyển biến tự nhiên của hành tinh hoặc các vụ tấn công gây thảm họa của thiên thạch, tình trạng chết dần, chết mòn hiện tại có thể gắn liền với hành động của con người.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Brown (Mỹ) cũng phát hiện, loài người đang khiến các loài biến mất nhanh gấp 1.000 lần chúng cách đây 60 năm.
5 cuộc đại tuyệt chủng từng xảy ra trên Trái đất
Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt Đại cổ sinh
Sự cố đầu tiên trong 5 cuộc đại tuyệt chủng từng được ghi nhận xảy ra trên Trái đất cách đây khoảng 440 triệu năm. Đây có thể là cuộc đại tuyệt chủng dữ dội thứ hai trong lịch sử. Gần như mọi sự sống trong biển vào thời điểm đó và khoảng 85% các loài biến mất.
Cuộc đại tuyệt chủng cuối kỉ Devon
Cách đây khoảng 359 - 375 triệu năm, các thay đổi lớn về môi trường đã gây ra xóa sạch các nhóm cá chủ chốt trên Trái đất và ngăn chặn các dải san hồ ngầm mới hình thành suốt 100 triệu năm.
Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỉ Pecmi
Cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hệ sinh thái Trái đất diễn ra cách đây 252 triệu năm. Gần như 97% các loài biến mất vĩnh viễn và chỉ còn hóa thạch sót lại.
Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỉ Triat
Khủng long xuất hiện lần đầu tiên ở đầu kỉ Triat, nhưng các động vật lưỡng cư lớn và bò sát giống động vật có vú lúc này mới là những sinh vật thống trị trên cạn. Cuộc đại tuyệt chủng chớp nhoáng, diễn ra cách đây 201 triệu năm đã thay đổi điều đó.
Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỉ Phấn trắng
Một thiên thạch đã đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm và thường được coi là nguyên nhân làm chấm dứt sự thống trị của khủng long trên hành tinh chúng ta.
Theo VietNamNet.
Bình luận