Việc ghi số điện năng tiêu thụ vẫn thực hiện thủ công gây mất an toàn, thiếu minh bạch. Ảnh: Internet.

Đầu tháng 10/2014, tại phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công thương, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố con số hàng chục nghìn người chỉ đi làm công việc ghi công tơ, thu tiền điện đã khiến dư luận xã hội giật mình về sự thô sơ của ngành điện.

Trong khi nhiều nước trong khu vực đã hiện đại hoá quy trình, thủ tục đo đếm lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng bằng công tơ điện tử, có thể chuyển dữ liệu từ xa về trung tâm và kiểm tra thông tin từng giờ thì ngành điện lực Việt Nam vẫn còn thô sơ, tốn nhiều nhân công và gây nguy hiểm do phải sử dụng thang thủ công “leo cột”.

Trước sự bất cập trên, việc ứng dụng tiện ích của CNTT, viễn thông vào công việc ghi chỉ số điện năng tiêu thụ đang được xem là giải pháp hiệu quả để tăng năng suất, hiệu quả.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Trung tâm Viettel ICT, Viettel đang bắt tay với ngành điện để triển khai giải pháp thu thập dữ liệu công tơ điện tử dựa trên hạ tầng viễn thông.

Đây là giải pháp do Viettel nghiên cứu và phát triển, với công tơ điện tử ngành điện đã trang bị cho khách hàng hoặc các trạm biến thế, Viettel trang bị modem 3G/GPRS gắn vào công tơ điện tử giúp đọc dữ liệu công tơ trực tuyến 24/24 và truyền về máy chủ trung tâm (30 phút/lần) để quản lí và khai thác.

Thậm chí, công nghệ mới được triển khai với ngành điện lực sẽ cho phép khách hàng có thể nhắn tin SMS để biết mình đã sử dụng bao nhiêu số điện.

Cũng theo thông tin từ Viettel, hiện EVN Hà Nội là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai giải pháp của Viettel.

Sau khi cài đặt phần mềm trên smartphone, khách hàng sẽ được cảnh báo sản lượng đột biến, thanh toán qua di động, điện năng tiêu thụ hàng tháng… Các thông tin này được cung cấp từ kho dữ liệu của EVN Hà Nội và sẽ được Viettel bảo mật theo các yêu cầu kết nối dữ liệu.

“Giải pháp do Viettel phát triển và cung cấp cho ngành điện lực đang đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, ông Trần Thế Cương nói.

Trước đó, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN lên phương án thực hiện nhắn tin tiền điện đến 100% khách hàng. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người dân cần cung cấp số điện thoại chính xác cho điện lực tỉnh, thành phố. Lí giải yêu cầu này, Cục Điều tiết điện lực cho rằng hiện công ty điện lực các địa phương thường chốt số điện trong ngày 20 - 21 hằng tháng, chậm nhất ngày 10 - 14 tháng sau sẽ gửi hóa đơn tiền điện đến khách hàng. Do thời điểm thông báo hóa đơn tiền điện chênh hơn 10 ngày nên nhiều khách hàng không thể theo dõi được số điện tiêu thụ khi nhận hóa đơn tại nhà.

Việc thực hiện nhắn tin trên điện thoại, hoặc theo dõi số điện tiêu thụ được đưa lên trên trang web (một số công ty điện lực đã thực hiện) cũng giúp khách hàng theo dõi, giám sát được số lượng điện, tiền điện tiêu thụ hằng tháng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, khách hàng nhận tin nhắn trước khi ngành điện phát hành hóa đơn sẽ giải quyết vấn đề khiếu nại nếu hóa đơn tiền điện báo sai chỉ số sử dụng.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)