Đại gia truyền hình chạy đua giảm cước

Đầu năm 2014, trước xu hướng các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đua nhau giảm giá thiết bị, giảm giá thuê bao, khuyến mãi tặng thêm tháng sử dụng. Hai đơn vị là VASC (cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV) và VTC đã cùng đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT cần quản lí giá dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh tình trạng bù chéo, hoặc bán dưới giá vốn để cạnh tranh.

Trước sức ép của thị trường, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã đưa nội dung xây dựng Đề án giá sàn (giá thấp nhất – PV) của dịch vụ truyền hình trả tiền vào kế hoạch công tác. Hiện đề án giá sàn đã được trình lên Bộ TT&TT những ngày cuối năm 2014 này. Theo đó, giá sàn dịch vụ truyền hình sẽ được tính theo loại hình truyền dẫn (cáp, vệ tinh, OTT, số mặt đất...) và theo địa bàn cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, trong khi việc quản lí giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền mới đang chỉ trong giai đoạn khởi động, thì trong năm 2014, thị trường truyền hình trả tiền lại tiếp tục chứng kiến những cuộc đại chiến giảm cước, đặc biệt là trong hai thị trường truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp.

Trong phân khúc truyền hình vệ tinh đã chứng kiến cuộc chạy đua giảm giá ngoạn mục giữa VTC, K+ và Truyền hình An Viên. Hồi cuối năm 2013, VTC giảm giá bộ thiết bị HD xuống còn 1,99 triệu đồng, còn bộ thiết bị SD còn 990.000 đồng. VTC cũng công bố áp dụng mức phí thuê bao dịch vụ rẻ nhất trong nhóm truyền hình vệ tinh vào thời điểm đó, trong đó gói dịch vụ SD là 720.000 đồng/12 tháng và dịch vụ HD là 1.200.000 đồng/12 tháng (tương đương với 60.000 đồng/tháng và 100.000 đồng tháng).

Dịch vụ HD của VTC có 105 kênh trong đó có 15 kênh HD, còn dịch vụ SD có 90 kênh. Trong đó, VTC cung cấp tới hơn 60 kênh truyền hình trong nước miễn phí, khi khách hàng hết hạn thuê bao mà chưa kịp đóng cước sẽ không bị gián đoạn tín hiệu mà vẫn tiếp tục xem được các kênh này.

Sau đó không lâu, đầu tháng 3/2014, K+ (nhà cung cấp dịch vụ truyền hình được đánh giá là có chất lượng dịch vụ cao cấp nhất) đã tuyên bố giảm tới 30% gói cước dịch vụ HD. Đồng thời, K+ cơ cấu lại giảm từ 3 gói kênh xuống còn 2 gói kênh và giảm từ 9 gói cước xuống còn 2 gói cước, K+ cũng giảm cước thuê bao dịch vụ HD cũng như giá bán bộ thiết bị.

K+ cũng đã giảm giá thiết bị còn 990.000 đồng/bộ thu SD và 1.800.000 đồng bộ thu SD (giá cũ tương ứng là 1,5 triệu đồng và 2 triệu đồng). Gói cước Accsess+ có mức giá thuê bao 85.000 đồng/tháng và gói PremiumHD+ giá 220.000 đồng tháng. Gói PremiumHD+ với 84 kênh truyền hình đặc sắc trong đó có 10 kênh HD quốc tế và 70 kênh của gói Access+ cùng với 4 kênh HD do K+ tự sản xuất. Những thuê bao PremiumHD+ sử dụng đầu thu SD sẽ xem đươc 74 kênh, còn nếu sử dụng đầu thu HD sẽ xem được toàn bộ 84 kênh, cùng với một mức cước thuê bao tháng.

Đến cuối tháng 10/2014, Truyền hình An Viên đột ngột công bố chính sách giảm cước thuê bao, đồng thời cơ cấu lại 3 gói cước chỉ còn 2 gói cước từ ngày 1/11/2014, áp dụng cho khách hàng đăng kí mới dịch vụ Truyền hình An Viên trên hạ tầng số mặt đất (DTT) ở khu vực miền Bắc. Truyền hình An Viên đổi tên gói cước từ 3 gói Cơ Bản, Như Ý, Cao Cấp sang chỉ còn hai gói là gói A và gói B.

Gói A gồm 72 kênh SD và HD bao gồm các kênh truyền hình cơ bản, thiết yếu nhất dành cho người xem truyền hình với giá cước 20.000 đồng/tháng. Gói B có 108 kênh gồm 72 kênh gói A và bổ sung thêm 36 kênh trong nước và quốc tế hấp dẫn trong đó có nhiều kênh HD siêu nét có giá cước 50.000 đồng/tháng. Giá cước này được coi là thấp nhất trên thị trường truyền hình tính đến thời điểm hiện tại. Khi đăng kí mới dịch vụ từ 1/11/2014, khách hàng đóng 1,3 triệu đồng để mua thiết bị và sẽ được xem miễn phí 30 tháng nếu chọn gói A, hoặc xem miễn phí 12 tháng nếu chọn gói B. Sau thời hạn này, khách hàng mới phải đóng cước ở gói cước mà khách hàng đã đăng kí.

Trong lĩnh vực truyền hình cáp, hơn 1 năm qua thị trường đã chứng kiến sự rượt đuổi giành giật thị phần của hai "anh em" cùng con một nhà của VTV là Truyền hình cáp Saigontuorist (SCTV) và Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) khi cùng tham gia cạnh tranh thị phần vô cùng khốc liệt. Nếu như cách đây chỉ 2 năm, SCTV chiếm lĩnh thị trường phía Nam còn VTVcab chiếm lĩnh thị trường phía Bắc, thì từ năm 2013 trở lại đây cả hai cùng chạy đua đầu tư mở rộng hạ tầng mạng cáp ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và trở thành đối thủ trực tiếp của nhau.

Tại thị trường Hà Nội, SCTV liên tục áp dụng chương trình khuyến mãi tặng đầu thu HD không giới hạn, miễn toàn bộ phí hòa mạng và công lắp đặt, giảm 49% phí thuê bao tháng, tặng 33% thời gian sử dụng khi đóng trước 3 tháng thuê bao trở lên.

Với chính sách này, khách hàng chỉ phải trả 80.000 đồng/tháng cho gói HD và 65.000 đồng/tháng cho gói SD. Và nếu khách hàng đóng trước 3 tháng thuê bao sẽ được tặng thêm 1 tháng, như vậy giá thuê bao giảm chỉ còn 60.000 đồng/tháng gói HD và gần 50.000 đồng/tháng gói SD. SCTV đã tổ chức ra quân đi tiếp thị tới từng hộ gia đình, chào mời lắp đặt thuê bao, với mức cước thuê bao rẻ, lại không phải tốn phí lắp đặt nên nhiều thuê bao analog của VTVcab ở khu vực miền Bắc đã bị mất vào tay SCTV.

Bị mất thị phần về chính tay "người anh em" của mình, từ giữa năm 2014, VTVcab cũng buộc phải áp dụng những chính sách tương tự như tặng đầu thu HD, miễn phí hòa mạng, tặng thêm tháng sử dụng. Với chính sách này thì giá thuê bao thực tế khách hàng phải trả sẽ chỉ khoảng gần 85.000 đồng/tháng.

Cước thấp sẽ phá hỏng thị trường truyền hình?

Không chỉ cạnh tranh giảm cước thuê bao chính, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền còn đua nhau giảm cước thuê bao phụ (thuê bao cho đầu thu – tivi thứ hai trở đi). Hiện tại VTVcab đang áp dụng mức cước thuê bao phụ 50.000 đồng/tháng, SCTV áp dụng mức 49.000 đồng/tháng, K+ áp dụng mức 25.000 đồng/tháng, Truyền hình An Viên áp dụng giá 22.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khách hàng ở Hà Nội của SCTV khi đăng kí mới dịch vụ sẽ được miễn cước thuê bao phụ trong vòng 6 tháng đầu tiên, chỉ phải đóng cước thuê bao phụ từ tháng thứ 7 trở đi.

Có thể nói, việc các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đua nhau giảm cước người dùng dịch vụ được hưởng lợi nhiều, nhờ đó mà số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tăng lên nhanh chóng từ 4,5 triệu thuê bao vào cuối năm 2012, tăng lên 7 triệu thuê bao vào cuối năm 2014. Điều này còn đóng góp tích cực cho việc đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ, bởi khi số lượng người dùng truyền hình trả tiền tăng lên thì số lượng hộ gia đình nhà nước phải thực hiện số hóa truyền hình sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có nhiều ý kiến lại cho rằng, về lâu dài việc giảm giá thuê bao quá thấp sẽ làm hỏng thị trường truyền hình, bởi hiện nay giá thuê bao bình quân truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Hiện cả nước có 180 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá (tăng 02 kênh so với năm 2013, trong đó 105 kênh truyền hình quảng bá và 75 kênh phát thanh quảng bá); tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép là 40 kênh (tăng gần gấp đôi so với năm 2013); cả nước có 5 đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất và 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh; 27 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.

Số lượng thuê bao truyền hình số mặt đất đạt 7.000.000 thuê bao, tăng gấp đôi so với năm 2013; 973.000 thuê bao truyền hình số vệ tinh và 4.300.000 thuê bao truyền hình cáp. Tổng doanh thu trong lĩnh vực truyền hình ước đạt hơn 6.000 tỉ đồng...

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)