Hàng ngàn người Hungary đã đổ ra đường biểu tình chống luật thuế sản phẩm dịch vụ số.

Theo những quy định mới, các dịch vụ số như lưu trữ đám mây và phim trực tuyến sẽ được xác định bởi nơi sinh sống của người tiêu dùng, chứ không phải nơi đặt trụ sở của các công ty bán những sản phẩm đó. Giới chuyên môn cho rằng luật mới có thể mang lại cho các chính phủ EU thêm 1 tỉ USD mỗi năm. Nhưng điều chưa rõ là ai trong 28 nước thành viên sẽ phải chi nhiều nhất cho loại thuế mới này.

“Chắc chắn sẽ có một sự thay đổi giá cả” - Richard Mollet, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà xuất bản Anh, nói. “Câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ phải chi nhiều hơn cho loại thuế mới? Các nhà bán lẻ, nhà xuất bản hay khách hàng?”.

Những thay đổi trong thuế giá trị gia tăng (VAT) của EU là một phần trong nỗ lực gia tăng thuế đối với khu vực kinh tế kĩ thuật số. Các công ty như Apple và Amazon đã bị chỉ trích xung quanh việc thiết lập trụ sở ở các nước có thuế suất thấp tại châu Âu như Ireland và Luxembourg, cho dù điều đó là hợp pháp.

Nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Amazon và Microsoft đặt trụ sở châu Âu ở Luxembourg, nơi thuế VAT chỉ 3% cho việc mua bán e-book. Trong khi đó, tại các nước như Anh, mức thuế này là 20%. Các nhà phân tích cho rằng các quy định trước đây giúp các công ty toàn cầu có thể luồn lách để có mức thuế thấp nhất.

Microsoft cho biết với luật thuế mới, phí đối với dịch vụ gọi trực tuyến Skype sẽ tăng đối với khách hàng châu Âu, trong khi giá các dịch vụ khác (như tải game) sẽ chưa tăng. Netflix, nhà cung cấp phim trực tuyến, chưa có kế hoạch tăng giá phí hàng tháng, trong khi Amazon cho biết phí thành viên Prime hàng năm của hãng (gồm dịch vụ phim trực tuyến ở một số nước) sẽ chưa tăng giá.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Amazon từ chối cho biết có tăng giá dịch vụ sách điện tử hay không. Google và Apple, 2 đại công ty điều hành 2 cửa hàng ứng dụng lớn nhất thế giới, cũng sẽ không gia tăng mức 30% phí họ thu từ mỗi hoạt động mua bán kĩ thuật số. Tuy nhiên, các gã khổng lồ công nghệ này sẽ thu thuế VAT tại mỗi nước thay mặt cho các nhà phát triển ứng dụng, nhưng một số nhà phát triển có thể sẽ tự gánh mức thuế tăng để tránh chọc giận khách hàng châu Âu.

Động thái của châu Âu theo sau những nỗ lực của Hoa Kì trong việc gia tăng thuế doanh số internet để gia tăng thu thuế của chính quyền liên bang và địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay Quốc hội Hoa Kì vẫn chưa thông qua dự luật.

Những động thái của các chính quyền 2 bên bờ Đại Tây Dương cho thấy các chính phủ đang cố gắng đuổi theo sự phát triển của công nghệ. Chẳng hạn, kể từ khi EU áp dụng thuế VAT vào năm 2008, các công ty như Netflix đã thay đổi rất mạnh trong cách thức hoạt động, chuyển sang việc phát triển dịch vụ phim trực tuyến để tránh đóng thuế VAT vốn mới áp dụng cho các loại hàng hóa “sờ được”, như việc bán đĩa DVD.

Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thay đổi thuế lần này là Luxembourg. Đất nước này cho đến nay dựa nhiều vào hệ thống thuế suất rẻ để thu hút các công ty nước ngoài như Apple và Microsoft. Tuy nhiên, với việc đánh thuế dựa trên nơi ở của người tiêu dùng, dù các công ty đặt trụ sở ở đâu cũng sẽ chịu thuế suất như nhau.

Theo Saigondautu.




Bình luận

  • TTCN (0)