Sớm hi vọng để rồi thất vọng

Cuối năm 2010, Microsoft tung ra Windows Phone 7 thay cho nền tảng Windows Mobile cũ kĩ trong nỗ lực cân bằng lại thế trận di động trước sức tiến mạnh mẽ của iPhone và đạo quân “robot xanh” Android đã tràn ngập khắp nơi, trong khi đó cựu hoàng smartphone BlackBerry dù thất thế nhưng vẫn còn là một thế lực đáng kể.

Ở thời điểm đó, ông vua điện thoại Nokia nhận thấy Symbian không còn tương lai đã quyết định hợp tác với Microsoft, đưa Windows Phone thành nền tảng chính cho các dòng smartphone của mình. Với tên tuổi của Nokia, Windows Phone dù không được các nhà sản xuất phần cứng khác nhiệt tình hưởng ứng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng qua các năm 2011 – 2013, để thị phần đạt “đỉnh” 3,7% vào Q3/2103, giữ chắc vị trí thứ 3 trên thị trường smartphone toàn cầu, theo IDC. Tốc độ gia tăng thị phần nhanh chóng của Windows Phone, trong khi BlackBerry rơi vào thời kì thoái trào và Nokia bỏ rơi hẳn Symbian khiến nhiều người hào hứng hình dung tới thế trận “tam quốc” mới với sự tranh chấp quyết liệt của ba nền tảng di động chủ lực Android, iOS và Windows Phone .

Cũng chính IDC hồi đầu năm 2011 đã đưa ra dự báo, tới năm 2015 nền tảng di động của Microsoft sẽ xếp vị trí thứ 2 trên thị trường smartphone toàn cầu với thị phần xấp xỉ 21%, chỉ chịu đứng sau Android (45,4%).

Nhưng, cuộc vui ngắn chẳng tày gang, suốt một năm qua thị phần của Windows Phone chẳng những không tăng nhanh như dự đoán của nhiều nhà phân tích mà còn tụt giảm, đến quý 3 vừa qua chỉ còn 2,8%, theo số liệu mới nhất của IDC.

Ứng dụng – điểm yếu chí tử của Windows Phone

Lí do quan trọng khiến một nền tảng được đánh giá tốt như Windows Phone không thể “cất cánh” được là vì ứng dụng trên Windows Phone Store chẳng những “thiếu” mà còn “yếu”, và nhiều ứng dụng rác, theo một nghiên cứu do Jackdaw Research tiến hành và công bố hồi đầu tháng 12.

Báo cáo của Jackdaw Research chỉ rõ, nhiều ứng dụng phổ biến trên hai nền tảng hàng đầu Andoid và iOS không có hoặc đến rất chậm với thế giới của Windows Phone. Độ trễ này thường ít nhất là 200 ngày. Và rất ít ứng dụng độc quyền cho riêng Windows Phone. Báo cáo cho biết, trong 100 ứng dụng hàng đầu của Windows Phone, thì 38 ứng dụng trong đó đã có mặt trên iOS và Android, 38 ứng dụng “nhỏ” kiểu như đèn pin, 9 ứng dụng do bên thứ ba phát triển thay thế ứng dụng phổ biến (như Snapchat), 8 ứng dụng giả mạo, và thực tế chỉ có 7 ứng dụng do Microsoft tạo ra.

Tom Warren, biên tập viên chuyên trách các bài viết về Microsoft, mới đây đã viết một bài đăng trên trang công nghệ The Verge, chia sẻ lí do anh bỏ hẳn Windows Phone vì quá thất vọng sau nhiều năm dùng kể từ khi nền tảng này được trình làng vào năm 2010. Biên tập viên công nghệ của The Verge cho rằng, Microsoft đã bị các đối thủ bỏ xa trong cuộc chơi di động, vì kho ứng dụng Windows Phone quá nghèo nàn.

Hơn 340.000 ứng dụng trên Windows Phone Store (tính đến tháng 11/2014) không thể gọi là ít, nhưng vẫn còn thua xa các kho ứng dụng của iOS và Android. Và vấn đề còn nằm ở chất lượng của ứng dụng, vì theo Tom, những ứng dụng hàng đầu ở đây đều là ứng dụng thay thế từ Android và iOS. Tom phàn nàn ứng dụng chính thống chậm lên kho Windows Phone, trong khi Microsoft cổ vũ cho ứng dụng của bên thứ ba là điều không nên.

Ứng dụng trên Windows Phone ít được quan tâm cập nhật là tình trạng khá phổ biến. Tom bày tỏ nỗi thất vọng và ví von đó là những phần mềm “chết”. Instagram chẳng hạn, đã có mặt trên Windows Phone hơn một năm nay vẫn chưa được cập nhật tính năng quay video. Điều này xem ra có vẻ trớ trêu vì smartphone Lumia vốn được quảng bá là có camera tuyệt vời.

Điều đáng ngại cho Microsoft, theo Jackdaw Research, là tình thế của Windows Phone khó được cải thiện vì thị phần hiện quá nhỏ không đủ sức hấp dẫn các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho nó. Người dùng thì khó có thể hào hứng với điện thoại Windows Phone khi thiếu ứng dụng. Nói tóm lại Windows Phone đang vướng phải cái vòng luẩn quẩn.

Jackdaw Research còn cho rằng Windows 10 cũng khó có thể giúp xoay chuyển tình thế, dù Microsoft hứa hẹn nền tảng mới của mình sẽ hỗ trợ các lập trình viên cùng lúc phát triển ứng dụng cho PC, máy tính bảng và smartphone. Thực tế là ứng dụng cần thiết trên Windows Phone thường không cùng loại với những ứng dụng trên PC. Các nhà phát triển muốn hiệu chỉnh ứng dụng trên PC của họ cũng chạy ổn trên màn hình nhỏ hơn của điện thoại rõ ràng sẽ phải tốn nhiều công sức.

Tom cho biết dù đã chuyển sang dùng iPhone nhưng sẵn sàng trở lại với Windows Phone nếu Microsoft cải thiện được vấn đề ứng dụng, cả về số lượng và chất lượng. Còn Windows 10 thì phải tới mùa Thu 2015 mới có bản chính thức.

Windows Phone cần mẫu smartphone “sát thủ”?

Trong bản báo cáo của mình, Jackdaw Research khuyên Microsoft thay vì lao vào phân khúc giá rẻ, hãy tập trung cho một mẫu smartphone “sát thủ”. Apple đã có iPhone và Google thì có dòng Nexus. Làm được điều đó Microsoft sẽ thuyết phục được thị trường, và các nhà phát triển sẽ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ nền tảng Windows Phone.

Việc Microsoft tập trung vào phân khúc giá rẻ như hiện nay gây khó cho khách hàng vì giữa các dòng sản phẩm không có nhiều khác biệt. Trong khi đó còn gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ đội quân đông đảo Android. Và thêm tình thế khó khăn mới là nhiều mẫu smartphone Android ở phân khúc tầm trung có giá mềm với cấu hình tốt, nhiều tính năng, hỗ trợ nhiều ứng dụng và trải nghiệm cao hơn hẳn so với phân khúc giá rẻ.

Theo số liệu của AdDuplex, dòng Windows Phone giá rẻ Lumia 5xx đang chiếm khoảng 40% thị phần của Lumia trên thị trường.

Một điều đáng lưu ý là người dùng smartphone ở phân khúc giá rẻ chi tiêu rất ít cho ứng dụng. Vì vậy, nếu Microsoft tiếp tục theo đuổi phân khúc giá rẻ sẽ càng đẩy những người tiêu dùng “chịu chi” về phía đối thủ iOS, và các nhà phát triển sẽ chạy theo họ để kiếm tiền. Windows Phone đã khó phát triển ứng dụng sẽ lại càng khó.

Trong khi đó, với tầm nhìn mới dưới thời CEO Satya Nadella, Office có mặt khắp nơi, miễn phí cho cả iOS và Android. Chính điều này khiến những khách hàng truyền thống của Microsoft sẽ không còn động lực thực sự để gắn bó với Windows Phone.

Dường như Microsoft đang đẩy Windows Phone lùi dần về “cửa tử”, và thế giới không còn cảm thấy cần tới Windows Phone. “Chẳng ai kiếm được tiền từ Windows Phone”, lời của Giám đốc truyền thông quốc tế Joe Kelly của Huawei phát biểu trên The Seattle Times đã nói lên tất cả.

Theo dự báo mới nhất của IDC, doanh số bán smartphone chạy Android và iOS sẽ chiếm tới hơn 96% thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2014, trong đó thị phần của Android là 82,3% và iOS là 13,8%. Thị phần Windows Phone chỉ vỏn vẹn khoảng 2,7%.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)