Sự cố này đã làm sụt giảm dung lượng hơn 110G hướng đi Hồng Kông, 30G hướng đi Mỹ và một số kênh 2.5G hướng đi Singapore, Nhật Bản, ảnh hưởng đến truy nhập internet quốc tế.

Ngay sau sự cố xảy ra, các nhà cung cấp internet đã khẩn trương khắc phục nhằm hạn chế ảnh hưởng đối với khách hàng. Chẳng hạn, Tập đoàn VNPT đã làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG và các đối tác có liên quan để cập nhật thông tin, khắc phục sự cố trên hệ thống cáp quang quốc tế AAG để khôi phục trong thời gian sớm nhất. Song song với đó, VNPT cũng triển khai phương án ứng cứu, khôi phục lưu lượng qua hướng ưu tiên.

Ảnh
Người sử dụng internet không thể đọc nội dung ở trang quốc tế. (ảnh chụp qua màn hình)

Viettel chủ động điều chỉnh dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA), cáp quang đất liền đi ChinaTelecom và ChinaUnicom. Ngoài ra, nhà cung cấp này cũng tăng thêm 80 Gbps (tuyến đi HongKong, Singapore) để đảm bảo nhu cầu truy nhập tăng cao của khách hàng vào đầu năm và tránh nghẽn mạng vào giờ cao điểm‎, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 10/1/2015. Hay như FPT Telecom đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động. FPT Telecom còn khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.

Mặc dù vậy, do 80% lưu lượng internet từ Việt Nam đi quốc tế thông qua tuyến cáp quang biển AAG mới bị đứt, nên người sử dụng vẫn rơi vào cảnh các trang web, dịch vụ Internet quốc tế chậm, ì ạch, không ổn định.

Trong khi đó, theo dự kiến, phải vào chiều 23/1, công tác sửa chữa cáp mới có thể được hoàn tất. Điều này đồng nghĩa với việc, người sử dụng dịch vụ internet vẫn phải “sống chung” với mạng chậm khi vào các trang web quốc tế trong một thời gian khá dài nữa.

Có thể nói, việc mạng gặp sự cố đã gây ra không ít phiền hà và rắc rối cho người sử dụng. Một khách hàng của VNPT tên Phong ở Đan Phượng cho biết, do công việc, anh phải check mail thường xuyên không kể ngày hay tối. Mà email chính anh sử dụng là Gmail. Kể từ khi cáp quang AAG bị đứt, mạng nhà anh rất chậm, nhiều lúc còn không thể vào được, gây ức chế và ảnh hưởng đến công việc.

Cũng do đặc thù công việc, ngoài “dán mắt” vào màn hình cả ngày, buổi tối vẫn phải “ôm” máy tính, một khách hàng ở Kiến Hưng (Hà Đông), dùng internet của nhà mạng FPT, bức xúc: Mấy hôm nay mạng mẽo không ra làm sao cả, ị ạch, nhiều công việc cần xử lí mà không thể làm được…

Khổ nhất là phóng viên của một cơ quan báo chí Hà Nội, nhanh chóng hoàn thành bài viết thời sự để còn kịp gửi cơ quan lên market cho số báo hôm sau. Tuy nhiên, khi vào Gmail để gửi bài cho tòa soạn, anh không thể nào gửi được. Cứ mỗi lần vào, trang web lại “quay quay”. Cố gắng mãi không xong, 11h đêm, anh vẫn phải lọ mọ lên cơ quan nộp bài trong giá rét.

Một trường hợp nữa, chỉ vì mạng chậm mà anh Vẻ (quận Hoàng Mai) mất cả khách hàng. Chuyện là, khách hàng gửi email yêu cầu báo giá sản phẩm. Tuy nhiên, do mạng chậm, anh không thể báo giá sớm. Khách hàng không hiểu nên đã tìm đến một đơn vị khác…

Mạng chậm gây ảnh hưởng như vậy thì người sử dụng có được đền bù? Đây là câu hỏi không chỉ của những khách hàng trên mà còn của nhiều người sử dụng internet khác.

Có thể nói, từ trước đến nay, việc đền bù do mạng internet đứt, chậm ít được nhà cung cấp dịch vụ internet đề cập đến. Việc đứt cáp quang AAG không phải lần đầu. Trước đó, vào đêm 15/9/2014, sự cố đứt cáp AAG đã xảy ra khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu sự cố chỉ kéo dài vài ba ngày hoặc 1 tuần thì khách hàng có thể thông cảm và chia sẻ với nhà cung cấp. Nhưng sự cố có thể kéo dài đến cả hơn nửa tháng trời thì thiết nghĩ, các nhà cung cấp dịch vụ nên xem xét để đền bù cho khách hàng.

Theo Hà Nội Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)