Bài viết hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu chính xác những trang báo lỗi này có ý nghĩa gì và bạn cần phải làm gì khi nhìn thấy chúng.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng với cùng một lỗi nhưng những trình duyệt khác nhau sẽ cho ra những trang báo lỗi với cách hiển thị và từ ngữ khác nhau. Ví dụ trang báo lỗi chứng thực hoặc cảnh báo trang web có thể chứa mã nguồn độc hại có hình thức khác nhau ở mỗi trang web nhưng ý nghĩa của chúng là như nhau.

Trang báo lỗi chứng thực

Lỗi chứng thực SSL hoặc chứng thực bảo mật chỉ ra một vấn đề trong việc mã hóa HTTPS. Bạn sẽ chỉ nhìn thấy trang báo lỗi này khi truy nhập vào các trang web sử dụng HTTPS.

Khi sử dụng mã hóa HTTPS, các trang web sẽ đưa ra chứng thực để xác định rằng họ là trang web hợp pháp. Ví dụ như Google.com được cấp một chứng thực do cơ quan bảo mật đáng tin cậy xác nhận rằng Google là chủ sở hữu thực sự của trang web Google.com. Khi bạn kết nối với Google.com sử dụng mã hóa HTTPS, Google sẽ sử dụng các cơ chế xác thực bảo mật để bảo vệ thông tin người dùng và đưa ra chứng thực này cho trình duyệt. Các trình duyệt của bạn sẽ kiểm tra chứng thực này để xác định bạn có đang kết nối đến đúng trang web hay đang truy cập vào một máy chủ giả mạo Google.com.

Khi bạn thấy trang báo lỗi chứng thực thì có nghĩa là bạn đang gặp nguy cơ có thể truy nhập vào một trang web không hợp pháp. Ví dụ, nếu bạn cố gắng truy cập vào trang web ngân hàng của bạn thông qua mạng WiFi công cộng và thấy trang báo lỗi này, điều này thể hiện có thể ai đó đang cố gắng mạo danh trang web ngân hàng để đánh cắp thông tin.

Mặt khác, cũng rất có thể rằng trang web đó đang gặp trục trặc với vấn đề làm mới hoặc cấu hình xác thực. Tuy nhiên, dù lí do nào đi nữa thì tốt nhất bạn cũng không nên tiếp tục truy cập vào trang web như vậy để tự bảo vệ mình.

Cảnh báo giả mạo hoặc trang web chứa mã nguồn độc hại

Các trình duyệt lớn trên thế giới hiện nay như Chrome, Firefox hay Internet Explorer hiện nay đều có một danh sách các trang web nguy hiểm. Bản danh sách này được cập nhật thường xuyên để cảnh báo người dùng một cách kịp thời. Nếu bạn truy nhập vào một trang web có trong bản danh sách này thì trình duyệt sẽ báo cho bạn biết.

Những trang web bị đưa vào bản danh sách này thường là những trang web chứa mã nguồn độc hại hoặc là một trang web mạo danh để đánh cắp mật khẩu, thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng hay các thông tin nhạy cảm khác.

Trong một số trường hợp, cả những trang web chính thống cũng bị đưa vào bản danh sách này khi có dấu hiệu của việc bị hack và bị chiếm quyền quản trị. Chỉ khi trang web này đã khắc phục được những sự cố bảo mật trên thì nó mới được loại bỏ khỏi danh sách nguy hiểm.

Và cũng giống như thông báo lỗi trước, nếu bạn gặp trang báo lỗi cảnh báo giả mạo hoặc trang có chứa mã nguồn độc hại thì đừng nên tiếp tục truy nhập vào trang web đó nữa.

Lỗi 404: Trang web không tồn tại (404 Not Found)

Bạn có thể thấy nhiều lỗi được thông báo từ các máy chủ khi truy nhập vào các trang web nhưng trong số đó thì lỗi "404 Not Found". Điều này cũng có nghĩa là bạn đang truy cập vào một trang web không tồn tại, đã bị gỡ bỏ hoặc có lỗi trong khi bạn nhập tên miền vào thanh địa chỉ trình duyệt.

Thông báo lỗi 404 này được tạo ra từ phía máy chủ và gửi đến trình duyệt. Nếu bạn nhận được thông báo lỗi này, trước hết hãy kiểm tra lại địa chỉ trên thanh địa chỉ để đảm bảo rằng bạn đã nhập đúng. Nếu như bạn click vào một đường link và đường link này lại dẫn đến trang thông báo lỗi 404 thì rất có thể link đó bị lỗi hoặc trang web đó đã bị gỡ bỏ hay không tồn tại.

Trang thông báo lỗi tùy chỉnh bởi những nhà phát triển website

Việc người dùng truy nhập vào các trang web và gặp phải lỗi là một điều không hề mong muốn của những người phát triển website đó. Tuy nhiên, đây là việc khó có thể kiểm soát hết được một cách hoàn toàn nên để giảm bớt sự khó chịu của người dùng, những người chủ sở hữu trang web đó có thể tùy chỉnh các trang thông báo lỗi để thân thiện và bớt cảm giác nhàm chán hơn.

Họ có thể tùy chỉnh một số trang thông báo lỗi như trang 404 hoặc một số trang thông báo lỗi cơ bản khác để trông nó trở nên sinh động và thú vị hơn. Ví dụ như trang HowtoGeek đã lấy cảm hứng từ trò chơi nổi tiếng Mario để thiết kế lại trang báo lỗi 404 của mình. Trông thật thú vị và đây cũng là cách để chủ trang web điều hướng người dùng tốt hơn những trang thông báo thông thường.

Trang thông báo lỗi không tìm thấy máy chủ (Server Not Found)

Với trang thông báo này, việc hiển thị trên Firefox và Chrome là rất khác nhau. Với Firefox đó là dòng thông báo "Không tìm thấy máy chủ" còn trên Chrome là "Google Chrome không thể tìm thấy trang ‘tên trang web' bạn cần".

Thông báo này được đưa ra khi có thể bạn đã gõ sai tên website, website đó không tồn tại hoặc máy chủ DNS của bạn đang bị lỗi. Một nguyên nhân nữa là có thể việc cấu hình tường lửa, proxy hoặc một số cài đặt khác bị sai đã khiến cho bạn không thể truy cập vào được trang web mong muốn.

Trang thông báo lỗi "Không thể kết nối"

Trang thông báo lỗi này ở trên Chrome cũng giống như lỗi không tìm thấy máy chủ còn với Firefox là dòng chữ "Không thể kết nối" (Unable to Connect).

Khi nhìn thấy thông báo lỗi này thì việc đầu tiên mà bạn nên làm là kiểm tra kết nối mạng của mình. Nếu máy tính của bạn đang gặp trục trặc về việc kết nối Internet thì việc truy cập vào các website là không thể.

Nếu kết nối mạng vẫn bình thường mà bạn nhận được thông báo lỗi "Không thể kết nối" nghĩa là bạn đã kết nối thành công đến các máy chủ DNS của mình và xác định được trang web cần đến. Tuy nhiên, khi gửi yêu cầu truy cập đến trang web đích thì trình duyệt của bạn lại không nhận được phản hồi từ phía máy chủ.

Còn một nguyên nhân nữa để bạn gặp phải thông báo này đó là việc website bạn muốn truy cập có thể đã bị gỡ bỏ hoặc đang gặp trục trặc. Bạn có thể truy nhập vào trang Down For Everyone Or Just Me để tìm hiểu xem liệu trang web đó đã ngừng hoạt động hay chỉ không truy nhập được tại thời điểm đó.

Ngoài 6 lỗi này ra thì còn rất nhiều thông báo lỗi khác mà bạn có thể gặp phải. Tuy nhiên đây là những lỗi phổ biến nhất. Với những thông tin trên, hi vọng bạn có thể hiểu hơn được các thông báo lỗi gặp phải và cách xử lí chúng để truy cập Internet an toàn và hiệu quả.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)