Phiên bản Windows 10 được cho là một bước dứt khoát với quá khứ.

Theo các chuyên gia phân tích công nghệ, một trong những quyết định quan trọng nhất mà Microsoftphải thực hiện trong năm 2015 là có nên cung cấp Windows 10 miễn phí hay không. Đồng thời, hãng cũng phải xác định phân khúc người dùng nào phải trả phí cho một số phiên bản Windows 10 và mức phí đó sẽ là bao nhiêu.

Quyết định này có thể được công bố vào ngày 21/1/2015 tới đây, khi ban điều hành Microsoft không những sẽ giới thiệu thêm một loạt tính năng mới trên hệ điều hành Windows 10, mà còn sẽ giải thích thêm về vai trò của sản phẩm hệ điều hành Windows trong chiến lược tổng thể.

CEO Satya Nadella của hãng phần mềm khổng lồ này trước đây trong những bài phát biểu đã lần lượt mô tả chiến lược này là “đám mây trước hết, di động trước hết” (tức ưu tiên điện toán đám mây và di động) và “công cụ làm việc và nền tảng”.

Vào tháng 12/2014, COO Kevin Turner của Microsoft cho biết hãng sẽ công bố các kế hoạch mô hình kinh doanh Windows vào đầu năm 2015. Chi tiết của mô hình đó chưa được tiết lộ, nhưng có thể sẽ gồm những khoản thu mà Microsoft có được sau khi hãng bắt đầu cấp quyền sử dụng cho các hãng sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng cỡ nhỏ và máy tính cá nhân giá rẻ.

Để phần nào giải thích về phương pháp kiếm tiền này – mà ông Turner cho là cần phải có “cách sáng tạo” – Microsoft cũng có thể sẽ dùng sự kiện 21/1 sắp tới để bàn về mức giá nâng cấp của Windows 10.

Wes Miller, một nhà phân tích của Directions on Microsoft, trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã tỏ ý hoài nghi. Ông này cho rằng việc tính phí nâng cấp không phải là điều quan trọng nhất hiện nay và ông dẫn chứng Microsoft thường hé lộ thông tin đó chỉ vài tháng trước khi phát hành hệ điều hành mới vào mùa thu, tức là khoảng đầu đến giữa mùa hè. Theo ông Miller, Windows 10 sẽ là một thử nghiệm “5 ăn 5 thua” thực sự để Microsoft có thể khơi lại thị phần của thị trường tiêu dùng máy tính cá nhân.

Jan Dawson, nhà phân tích chính của Jackdaw Research, lại có ý kiến khác. Dù không dự đoán được là Microsoft sẽ công bố điều gì trong 2 tuần nữa, nhưng ông cho rằng giá thành của các bản nâng cấp là vấn đề quan trọng nhất đối với hãng phần mềm này trong năm nay. Trong một bài viết trên trangTech.pinions hồi tháng trước, ông Dawson cho biết thử nghiệm duy nhất và hay nhất là Microsoft có thể sẽ đưa ra mức phí nâng cấp khá cao cho phiên bản hệ điều hành mới đối với người tiêu dùng mà vẫn được nhiều người ủng hộ.

Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho là Microsoft tin rằng họ sẽ không thể qua được thử nghiệm của Dawson với Windows, do đó hãng sẽ cần phải "chọn một chiến lược rất khác với những tập quán về giá đã được thực hiện hàng chục năm nay".

Một trong những quyết định gây ngạc nhiên của Microsoft trong năm 2014 vừa qua là cấp quyền sử dụng Windows cho các hãng sản xuất thiết bị gốc OEM (original equipment manufacturer) đang phát triển các thiết bị di động có màn hình 9 inch hay nhỏ hơn.

Sau đó là một phiên bản Windows miễn phí (hay hầu như miễn phí tùy đối tượng người dùng) cho máy tính cá nhân truyền thống, được gọi là “Windows 8.1 with Bing”, vốn đang được dùng để chạy trong các dòng laptop giá cực rẻ mà tiêu biểu là mẫu Stream của HP. Mẫu laptop này hiện là đối thủ cạnh tranh về giá với dòng máy tính Chromebook chạy hệ điều hành Chrome OS từng làm nhiều hãng sản xuất máy tính Windows phải lo sợ bị mất thị phần.

Trong khi không có gì ngăn được Microsoft tính giá cao đối với việc nâng cấp lên Windows 10 – khoảng 100 USD cho phiên bản tiêu dùng, 200 USD cho phiên bản dành cho doanh nghiệp – thì khi bản Windows miễn phí được cung cấp cho các hãng sản xuất máy tính như HP hầu như chắc chắn sẽ bị phản ứng nhanh chóng và dữ dội.

Vào đầu tháng 12/2014, ông Turner khi nói về Windows cho biết Microsoft phải kiếm tiền bằng một cách khác và ông nhấn mạnh mô hình kinh doanh mới sẽ cho phép hãng có thể có được nguồn thu trọn đời từ khách hàng thông qua các dịch vụ và chương trình bổ sung khác. Giới phân tích cho rằng đó có thể là một chiến lược freemium (không tính phí ban đầu nhưng sau đó phải trả phí để có đầy đủ tính năng), tương tự như trường hợp mua các tiện ích trong ứng dụng (in-app purchase) trên smartphone.

Khi người đứng đầu bộ phận hệ điều hành Terry Myerson của Microsoft giới thiệu Windows 10 hồi tháng 9/2014, ông cho biết là không phải hãng đang xây dựng một sản phẩm hoàn toàn khác biệt và nhấn mạnh rằng phiên bản Windows 10 này là một bước dứt khoát với quá khứ. Trong khi đó, việc bỏ qua phiên bản Windows 9 như nhiều đồn đoán trước đó lại là một vấn đề khác.

Cũng theo Myerson, Windows 10 sẽ có lịch trình nâng cấp dồn dập hơn. Điều này sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng Microsoft không thể tính phí cho các bản cập nhật, ngay cả cho các phiên bản lớn mà trước đây có thể gọi là “phiên bản nâng cấp”, và hãng được cho là sẽ giữ lại tên gọi này thêm nhiều năm hơn là 3 năm như trước đây.

Ảnh
Chromebook được xem là một đối thủ cạnh tranh về giá đối với máy tính Windows.

Ông Jan Dawson của Jackdaw Research đã nêu ra 3 tùy chọn chiến lược nâng cấp mà Microsoft có thể sẽ thực hiện.

Tùy chọn A: Nâng cấp miễn phí từ Windows 8.1 có vẻ là điều chắc chắn. Theo ông Dawson, việc này hầu như chỉ để trấn an người dùng vốn có những phàn nàn về Windows 8 (và ngay cả đối với Windows 8.1) chẳng hạn như thiếu trình đơn Start và không thích dùng các ứng dụng “Modern”, hay trước đây còn gọi là “Metro”.

Tùy chọn B: Nâng cấp miễn phí từ các phiên bản cũ hơn của Windows có thể là một khả năng mở rộng, nhưng nâng cấp miễn phí cho Windows 7 sẽ hầu như tức thời giúp tăng thị phần người dùng của Windows 10, theo đó khách hàng có thể bị tính phí khi đặt mua ứng dụng và dịch vụ.

Tùy chọn C: Nâng cấp miễn phí cho tất cả người tiêu dùng và cũng có thể cung cấp bản quyền miễn phí cho tất cả hãng sản xuất thiết bị gốc máy tính tiêu dùng, trong khi vẫn tiếp tục tính phí bản quyền cho doanh nghiệp là động thái cơ bản nhất.

Microsoft cũng có thể kết hợp các tùy chọn với nhau, chẳng hạn chọn B nhưng cũng áp dụng C, chỉ cho người tiêu dùng nâng cấp miễn phí từ Windows 7 lên Windows 10.

Đối với mỗi tùy chọn nâng cấp miễn phí, Microsoft đều phải hi sinh một lượng doanh thu với mức nhỏ nhất cho tùy chọn A, mức nhiều hơn từ tùy chọn B và mức lớn nhất từ tùy chọn C. Với khoảng từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD bị thất thu, mức doanh thu bị giảm chắc chắn sẽ phải được Microsoft suy tính thiệt hơn.

Ông Turner không cho rằng Windows sẽ bị thất thu nhiều, ngụ ý là Microsoft sẽ không cung cấp hệ điều hành này hoàn toàn miễn phí. Ngay cả khi đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, tức là chọn C, Microsoft vẫn sẽ tính phí vài loại khách hàng chẳng hạn như trong lĩnh vực doanh nghiệp đối với phiên bản nâng cấp hay mua bản quyền mới. Điều này ít nhiều sẽ giúp cho hãng phần mềm này còn có nhiều cơ hội xoay xở.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)