Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (thứ hai từ phải sang) trong buổi làm việc song phương sáng 20/1. Ảnh: Phạm Giang.

Thông tin này được ông U Ye Htut - Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar - đưa ra trong cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son sáng nay, 20/1, tại Hà Nội. Phía Myanmar bày tỏ mong muốn rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm tham gia thị trường này, bởi hiện tại, Myanmar đã bắt đầu cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình cáp, IPTV. Doanh nghiệp nước ngoài khi liên doanh cùng đối tác trong nước của Myanmar sẽ có thể góp vốn tối đa tới 30%.

"Cơ hội để đầu tư trong Truyền hình trả tiền, truyền hình cáp, IPTV của Myanmar đang rất khả quan và triển vọng. Hiện tại, chúng tôi cũng đang soạn thảo một bộ luật mới về Phát thanh - Truyền hình để trình Nội các. Sau khi Bộ luật này được ban hành thì doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia nhiều hơn vào những lĩnh vực nói trên", ông U Ye Htut cho biết, không quên đề xuất Việt Nam hỗ trợ thêm về nhân lực, công nghệ và nguồn vốn.

Riêng đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản, doanh nghiệp nước ngoài có thể liên doanh cùng doanh nghiệp Myanmar và sở hữu tới 95% cổ phần. Đặc biệt với một số ngành đặc thù như đào tạo tiếng Anh hoặc giáo dục thì nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu khái quát với người đồng nhiệm của Myanmar về 5 lĩnh vực mà Bộ đang thực hiện chức năng quản lí Nhà nước là báo chí, xuất bản, bưu chính, CNTT và viễn thông, với đặc thù vừa là Bộ Kinh tế - Kĩ thuật, vừa thực hiện chức năng tuyên truyền, thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Trong lĩnh vực báo chí, báo điện tử đang phát triển mạnh với 98 cơ quan báo điện tử, 200 trang thông tin điện tử của báo in. Phát thanh Truyền hình cũng có 3 đài Trung ương, phủ sóng cả nước là VTV, VOV, VTC và 64 đài phát thanh truyền hình địa phương, tổng số kênh PT-TH là 172 kênh, cùng với 73 kênh truyền hình trả tiền, trong đó có 40 kênh nước ngoài.... Hiện tại, Việt Nam đang triển khai Đề án số hóa truyền hình với mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ chuyển hoàn toàn từ sóng analog sang truyền hình số. Đối với xuất bản, hiện Việt Nam có khoảng 60 nhà xuất bản, 2 vạn đầu sách mỗi năm, trên 1500 cơ sở in.

Đặc biệt, lĩnh vực viễn thông và CNTT là hai điểm sáng khi Việt Nam sở hữu mạng lưới viễn thông khá mạnh, đạt tổng doanh thu năm 2013 là 9,9 tỉ USD. Công nghiệp CNTT đạt doanh thu 37 tỉ USD và Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều Tập đoàn quốc tế. Bản thân Việt Nam cũng đã xây dựng được nhiều Tập đoàn, tổng công ty mạnh trong lĩnh vực này như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone. Cả 4 doanh nghiệp này đều đã đặt văn phòng đại diện tại Myanmar, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ TT&TT đang tiến hành là quy hoạch lại báo chí trong nước đến năm 2025 để "có một số lượng hợp lí và nâng cao chất lượng lên", Bộ trưởng cho biết thêm.

Sớm cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Myanmar, rất mong Myanmar sớm cấp phép hoạt động cho những doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ra thị trường nước bạn, đồng thời ưu tiên sử dụng dịch vụ do Việt Nam cung cấp như thuê kênh trên vệ tinh VINASAT.

Ảnh
Bộ trưởng U Ye Htut (thứ hai từ phải sang) tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Giang.

Về phía mình, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Myanmar sang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Đáp từ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng U Ye Htut cho biết việc Internet và di động là lĩnh vực do Bộ CNTT - Truyền thông Myanmar phụ trách, do đó, Bộ Thông tin sẽ chuyển đề nghị này sang Bộ CNTT - Truyền thông trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đối với những doanh nghiệp Việt nếu mong muốn hợp tác trong lĩnh vực IPTV, PT-TH, Internet, phía Bộ Thông tin sẽ có thể sắp xếp để họ tiếp xúc với các cơ quan quản lí cũng như doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm cơ hội liên doanh. Đồng thời, nếu phía Việt Nam có thắc mắc gì về Luật và cơ chế đầu tư, phía Myanmar cũng sẵn sàng hỗ trợ giới thiệu, tư vấn cách thức.... cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Htut cam kết.

Do Myanmar đang kí hợp đồng sử dụng vệ tinh Thacom đến năm 2018 nên sẽ xem xét việc sử dụng vệ tinh VINASAT sau khi hợp đồng với Thacom hết hạn. Dù vậy, ông Htut cho biết còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này cần thuê kênh vệ tinh nên phía Bộ Thông tin Myanmar sẽ tạo điều kiện, giới thiệu VINASAT với họ.

Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu báo chí, xuất bản

Cùng là 2 Bộ Quản lí nhà nước trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị hai nước tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để quản lí, khai thác hiệu quả hơn các lĩnh vực này, Bộ trưởng cũng đề xuất hai bên trao đổi nhà báo, phóng viên, tăng dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau cũng như trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển, quản lí báo chí, báo điện tử, PT-TH, trang tin điện tử, quản lí dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền hình di động ở cả hai nước. "Hi vọng các đài Truyền hình Việt Nam và Myanmar có thể hợp tác cùng nhau, đặt văn phòng đại diện ở nước bạn trong thời gian sớm nhất", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng mong muốn Myanmar cử đoàn phóng viên sang Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa 2 nước trong năm 2015. Ngoài ra, trong dịp này, 2 Bộ sẽ tổ chức triển lãm sách, báo, ảnh giới thiệu về hai nước, đặc biệt Việt Nam sẽ xây dựng một trang thông tin điện tử giới thiệu riêng về Myanmar....

Hai bên sẽ thảo luận để xây dựng một thỏa thuận trao đổi, hợp tác song phương, bao gồm cả khung pháp lí để hiện thực hóa các cam kết đã đạt được, đồng thời phía Việt Nam mong Bộ Thông tin Myanmar sẽ tạo điều kiện để VTV, Thông tấn xã Việt nam được mở VPĐD tại Myanmar.

Trả lời các đề xuất của Bộ TT&TT, ông U Ye Htut khẳng định Bộ Thông tin Myanmar rất ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác cùng doanh nghiệp tư nhân Myanmar trong lĩnh vực báo chí - xuất bản. Phía Myanmar cũng đồng thuận với hầu hết nội dung do phía Việt Nam đưa ra, đặc biệt là nội dung tuyên truyền tích cực cho dịp 40 năm thiết lập quan hệ hai nước. Về nội dung hợp tác giữa hai Bộ, Bộ Thông tin Myanmar đề nghị phía Việt Nam chuẩn bị dự thảo các nội dung hợp tác, sau đó hai bên sẽ cùng thảo luận và kí kết.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)