Nhân viên kĩ thuật của ICDREC lắp đặt modem DCM cho dự án “3.000 điểm thu thập dữ liệu từ xa” dưới sự giám sát của nhân viên điện lực. Ảnh: ICDREC.

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông và Hội Vi mạch bán dẫn TP HCM tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM (gọi tắt là Chương trình). Tham dự có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình.

Thành tựu đáng ghi nhận

Sau 2 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt: đào tạo nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế (Design house), hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1. Chip SG8V1 là sản phẩm chủ lực của Chương trình. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Thời gian 2 năm chưa dài nhưng bước đầu tạo ra sản phẩm đã cho chúng ta niềm tin về ngành công nghiệp vi mạch TP HCM có triển vọng phát triển rất tốt”.

Chip SG8V1 đã ứng dụng vào hơn 30 sản phẩm thương mại, như: giám sát hành trình ô tô, xe máy, khóa container, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lí ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ, tự động hóa hệ thống chiếu sáng công cộng… Góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Chẳng hạn: Tổng Công ty Điện lực TP HCM đã sử dụng 40.000 bộ thu thập dữ liệu DCM (ứng dụng chip SG8V1) của ICDREC, đã tiết kiệm cho ngân sách 25 tỉ đồng,...

Mỗi năm nhập 2 tỉ USD linh kiện bán dẫn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chip là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, là biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành bộ “não” trong tất cả trang thiết bị hiện đại. Vì thế, việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực đi đầu để công nghiệp hóa đất nước. Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỉ con chip các loại. Đây là cơ sở để TP HCM đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 tỉ USD linh kiện bán dẫn nhưng để thương mại hóa sản phẩm chip Việt thật không dễ dàng. Chip SG8V1 là sản phẩm mới nên các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp khác chưa quen sử dụng bởi lâu nay, các doanh nghiệp phần lớn nhập nguyên bo mạch về lắp ráp.

Để thay đổi thói quen đó thật không dễ mặc dù chip SG8V1 đã được các nhà sản xuất trong nước sử dụng, đánh giá cao. So với chip ngoại nhập cùng loại có trên thị trường, chip SG8V1 có nhiều tính năng vượt trội, giá thành lại rẻ. Để thương mại hóa được sản phẩm chủ lực của Chương trình, theo viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cần ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vi mạch trong nước, khuyến khích các đơn vị nghiên cứu đăng kí thực hiện đề tài nghiên cứu sử dụng sản phẩm công nghiệp vi mạch của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết năm 2015, TP sẽ tập trung công tác phát triển thị trường vi mạch. Mặc dù TP quyết tâm đầu tư cho vi mạch nhưng để ngành này phát triển cần phải có thị trường, trước tiên là phát triển thị trường trong nước với khẩu hiệu “Người Việt dùng vi mạch Việt”. Hiện nay, các lĩnh vực có tính bảo mật cao như: ngân hàng, điện lực, an ninh quốc phòng, viễn thông nên sử dụng vi mạch Việt để được bảo mật.

Công nghiệp vi mạch cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt từ nước ngoài về. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu kiến nghị thêm: Ban Chỉ đạo Chương trình cần phối hợp với ĐHQG TP HCM thành lập một đơn vị khoa học - công nghệ vi mạch, trên cơ sở mở rộng và nâng cao Trung tâm ICDREC, hoạt động theo cơ chế trung tâm tiên tiến. Hiện nước ta có 4 trung tâm tiên tiến, các trung tâm này hoạt động theo cơ chế mở nhằm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)