Từ một công ty chỉ có 2 người, Apple giờ đây đã trở thành công ty toàn cầu với thương hiệu lớn thứ 2 thế giới

Từ Macintosh tới iPhone

Năm 1976, Steve Jobs 21 tuổi và Wozniak 26 tuổi cùng sáng lập công ty Apple Computer trong ga-ra nhà Jobs. Sản phẩm đầu tiên của họ là máy tính cá nhân Apple I. Năm 1977 Apple tung ra sản phẩm tiếp theo, Apple II, một thành quả to lớn đã làm nên tiếng vang cho một công ty còn non trẻ Apple. Năm 1980 Jobs và Wozniak trở thành triệu phú. Từ một công ty chỉ có 2 người, Apple giờ đây đã trở thành công ty toàn cầu với thương hiệu lớn thứ 2 thế giới.

Gần 40 năm sau, ngày 21/1/2015, Apple công bố báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu 74,6 tỉ USD và lợi nhuận ròng 18 tỉ USD, tương đương mức tăng doanh thu 30% và lợi nhuận ròng tăng 37,4% so với cùng kì năm ngoái. Những con số này được ghi nhận là kỉ lục trong lịch sử gần 40 năm của Apple cũng như trên toàn thế giới.

Ảnh
TimCook đưa Apple tới những con số kỉ lục

Tuy nhiên điều nói nhất của báo cáo này nằm ở số lượng sản phẩm mà Apple đã bán ra. Cụ thể, Apple bán ra 74,5 triệu chiếc iPhone chỉ trong 3 tháng (lớn hơn tổng số lượng iPhone bán ra năm 2011) và chiếm 68% tổng doanh thu. Số lượng iPhone chiếm tới 68% tổng doanh thu (cao hơn nhiều con số 50% trước đây).

Ảnh
iPhone vẫn là con át chủ bài của Apple

Doanh thu, lợi nhuận ròng đạt kỉ lục. 2 siêu phẩm smartphone iPhone 6 và iPhone 6 Plus đánh chiếm thị trường mà Samsung đang nắm giữ và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Fan hâm mộ và nhà đầu tư của Apple chắc chắn không giấu nổi sự hạnh phúc. Tuy nhiên, phía trước của Apple có phải là màu hồng?

Cái "kiềng ba chân" của Steve Jobs

Steve Jobs - thiên tài công nghệ, nhà lãnh đạo, nhà thiết kế tài ba, cộng đồng công nghệ đã dành quá nhiều từ hoa mĩ dành cho ông. Điều này cũng chẳng có gì sai vì tầm nhìn chiến lược của Steve Jobs đã đưa Apple lên đến đỉnh cao của thành công khi cùng thời với "táo khuyết" là những Nokia, BlackBerry, Motorolla đều rất hùng mạnh. Vậy chiến lược của Steve Jobs là gì?

Ảnh
Ngày xưa là Macintosh, iPod, iPhone

Apple thời Steve Jobs luôn đứng trên một chiếc kiềng ba chân với 3 sản phẩm chủ đạo. Thời sơ khai của Apple là Macintosh - chiếc máy tính cạnh tranh sòng phẳng với Windows PC, iPod - chiếc máy nghe nhạc không có đối thủ từ khi ra mắt và iPhone - chiếc smartphone định nghĩa lại khái niệm điện thoại di động.

Ảnh
Sau đó là iPhone, iPad và Mac

Sau đó vài năm, Steve Jobs lại xoay chuyển chân kiềng bằng iPhone, iPad và Mac. Nhờ vậy, Apple luôn giữ được thị phần của mình ở cả 3 thị trường: smartphone, tablet và PC/Laptop.

“Không bao giờ để tất cả trứng vào một chiếc giỏ”

Nhìn từ báo cáo của Apple, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy cái " kiềng ba chân" của Steve Jobs xưa kia bây giờ chỉ một chân duy nhất: iPhone.

Ảnh
"kiềng ba chân" của Steve Jobs dưới thời TimCook chỉ còn "iPhone"

Không sai, iPhone tiếp tục là bom tấn bán chạy nhất của Apple với hơn 34.000 chiếc iPhone mỗi giờ, 24 giờ mỗi ngày. Với những con số này thì TimCook và Apple vẫn cứ sẽ ăn ngon ngủ yên chừng nào iPhone còn bán tốt, nhưng một khi điều rủi ro nhất xảy ra: iPhone hụt hơi thì sẽ có đường lùi nào cho “táo khuyết”.

Ảnh
Mac chỉ đóng góp 9,3% và sụt giảm so với 11% năm trước

Hai chân kiềng còn lại? Máy tính Mac vẫn tiêu thụ khá ổn gần đây và thậm chí còn đạt thị phần cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử Apple. Nhưng sự thật là Mac chỉ đóng góp 9,3% doanh thu cho Apple và còn sụt giảm so với con số 11% cách đây một năm. iPad thì đã tiếp tục suy giảm quý thứ 4 liên tiếp, với thị phần doanh thu giảm từ 20% xuống còn vẻn vẹn 12%.

Ảnh
iPad tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm

Thành công của Apple là sự thèm muốn của mọi công ty trên toàn thế giới, kể cả khi doanh thu của họ chỉ phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất. Từ khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, Apple đã thu hút được rất nhiều người dùng trung thành - những khách hàng mang lại doanh thu kỉ lục hiện nay.

Nhưng việc để iPhone hoàn toàn chèo lái tương lai của Apple khiến cho fan hâm mộ và cổ đông của Apple không khỏi lo lắng. Những nhà lãnh đạo của “táo khuyết” chắc hẳn đã thuộc lòng bài học kinh doanh: "Đừng để tất cả các trứng vào một giỏ".

Đâu là chân kiềng mới?

Apple Watch - chiếc smartwatch đầu tiên của Apple chính là thiết bị được Tim Cook kì vọng rất nhiều. Theo nhà phân tích Tim Bajarin, Apple Watch là một sản phẩm có tiềm năng cực kì lớn với ước tính bán ra khoảng 30 triệu smartwatch trong năm đầu tiên. Đây là một sự khởi đầu tốt và giúp Apple chiếm lĩnh thị trường smartwatch vốn đang rất khốc liệt với sự tham chiến của các ông lớn khác như Samsung, Sony.

Ảnh
SmartWatch có làm nên được điều bất ngờ? Khó!

Đấy là vấn đề về thị trường, còn nếu so với doanh số (trong quý vừa qua Apple đã bán được 74,5 triệu iPhone và 21,4 triệu iPad) cũng như doanh thu (mỗi chiếc iPhone trung bình bán ra được 687 USD trong khi Apple Watch có giá từ 349-549 USD) thì chiếc smartwatch này cũng khó lòng mang lại nhiều lợi nhuận cho Apple.

Ngoài Apple Watch, việc đặt cược vào Beats - thương vụ lịch sử 3 tỉ đô của hãng và Apple Pay cũng có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh của Apple. IoT và Smarthome cũng là mảnh đất để Apple có thể phô diễn hệ sinh thái iOS tuyệt vời của mình.

Ảnh
Apple và Tim Cook phải tự cứu mình nếu iPhone hụt hơi

Tuy nhiên, khi những mảnh kinh doanh này còn chưa đạt được thành công với quả ngọt như iPhone, iPad đã từng làm thì Apple nên cầu nguyện cho iPhone không “hụt hơi” trước một Samsung đang rất nóng lòng dành lại thị phần và những startup mới nổi như Xiaomi sẵn sàng ngáng đường mọi ông lớn. Nếu điều đó xảy ra, Apple và Tim Cook sẽ phải tự cứu mình, vì Steve Jobs đã đi rất xa rồi.

Theo Genk.




Bình luận

  • TTCN (0)