Ông Đoàn Xuân Hợp, Phó trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, cho biết riêng trong năm 2014, nhà mạng này đã cắt hủy hơn 700 thuê bao vi phạm quy định tin nhắn rác, cắt hướng gọi đến mạng Vinaphone của 78 đầu số 1900. Ngoài ra, có 3 đầu số 6,7,8x cũng đã bị cắt vì vi phạm hợp đồng.

"Tùy theo mức độ vi phạm khác nhau của CP hoặc thuê bao mà chúng tôi sẽ có những hình thức xử lí khác nhau. Với những vi phạm lần đầu thì có thể chỉ cắt hướng đến, nhưng nếu vi phạm nặng, tái phạm nhiều lần sẽ hủy hợp đồng với CP đó", ông Hợp xác nhận.

Liên quan đến một số ý kiến nghi ngại rằng các nhà mạng sẽ gặp "khó khăn" khi triển khai Chỉ thị 82 về phòng chống tin nhắn rác do Bộ TT&TT kí ban hành mới đây, ông Hợp nhấn mạnh rằng, không phải đợi đến bây giờ, nhà mạng mới chống tin nhắn rác. Tuy nhiên, để triển khai ngăn chặn tin nhắn rác thực sự hiệu quả thì nhà mạng rất cần sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT, cụ thể là những chính sách, giải pháp hữu hiệu, tổng lực để xử lí tin nhắn rác "một cách có hệ thống, automatic và online, vì số lượng tin nhắn rất nhiều, lại muôn hình vạn trạng, không thể xử lí thủ công".

Ngoài ra, các nhà mạng cũng mong muốn nhận được phản hồi kịp thời từ khách hàng, vì khách hàng chính là nạn nhân của tin nhắn rác. Khách hàng có 2 cách để report cho VinaPhone về việc mình bị làm phiền: hoặc gọi thẳng đến Tổng đài 18001091 cho VinaPhone, hoặc nhắn tin đến đầu số 456 của Bộ TT&TT. "Chúng tôi sẽ xử lí trong thời gian nhanh nhất có thể", ông Hợp cam kết.

Ảnh
Ông Đoàn Xuân Hợp, đại diện VinaPhone, cho biết mạng này đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác theo tần suất. Ảnh: T.C.

Trong khi đó, tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 1/2015 của Bộ TT&TT (chiều 2/2), ông Phan Hoàng Đức, Phó TGĐ VNPT cho biết, Tập đoàn đang tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị 82 và cam kết sẽ tăng cường quản lí trong thời gian tới. Tuy vậy, ông Đức đề xuất Bộ xem xét và sớm ban hành quy chế giám sát, xử phạt các đầu số và CP phát tán tin nhắn rác. Một giải pháp nữa cũng được VNPT đề đạt là Bộ TT&TT sớm kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của Bộ Công an để doanh nghiệp có thể đối soát, kiểm tra, xác thực thông tin do người dùng khai báo khi đăng kí thuê bao. "Dù thời gian qua, chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức thuyết phục nhưng việc người dùng tự giác chấp hành đăng kí thông tin cá nhân vẫn chưa tốt", ông Đức thừa nhận.

Liên quan đến đề xuất này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, việc kết nối dữ liệu với Bộ Công An khó có thể triển khai trong vài năm tới, do đó, trong lúc chờ đợi, nhà mạng vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành, đặc biệt lưu ý tới các điểm đăng kí thông tin thuê bao vì "đây chính là mắt xích khiến thông tin không chuẩn xác", ông Hải nêu quan điểm.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh Thanh tra Bộ cho biết, đơn vị này đã chủ trì và phối hợp cùng Cục Viễn thông, Cục An toàn Thông tin & VNCERT làm việc cùng nhà mạng và các doanh nghiệp nội dung (CP) sau khi Chỉ thị 82 được ban hành. Một số CP vi phạm đã bị xem xét, xử lí theo đúng quy định. Trong tháng 2, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục triển khai mạnh Chỉ thị này, đối với những doanh nghiệp tái phạm sẽ có thể áp dụng hình thức thu hồi đầu số, bà Tình khuyến cáo.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)